MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh dùng ô để tránh nắng nóng khi tan trường. Ảnh: Yến Phương

Nỗi lo sức khỏe học đường khi nắng nóng kéo dài ở Miền Tây

YẾN PHƯƠNG LDO | 19/03/2024 18:54

Miền Tây đang vào cao điểm nắng nóng, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa... nhất là với lứa tuổi học sinh, trẻ nhỏ.

Lo lắng cho sức khỏe học sinh

Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt và kéo dài ở miền Tây nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, nhiều phụ huynh lo lắng cho sức khỏe của con, em mình, sợ các bé dễ bị sốc nhiệt và dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm.

Học sinh tại Cần Thơ tan trường vào khoảng 17h nhưng trời vẫn nắng gay gắt. Ảnh: Yến Phương

Chị Trần Mỹ Duyên (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chia sẻ, chị có 2 con trai đang theo học tại trường tiểu học trên địa bàn, thời điểm nắng nóng này, chị rất lo ngại cho sức khỏe của các con, bởi hầu hết thời gian các con đều học tập, ăn uống, nghỉ ngơi tại trường nên chị không trực tiếp theo dõi được.

“Tôi sợ các con không biết tự chăm sóc bản thân, vui chơi ngoài trời nắng dễ bị sốc nhiệt, mắc các bệnh về da, tay chân miệng, rồi thêm việc ăn uống dễ bị ngộ độc thực phẩm khi nhiệt độ thay đổi…”, chị Duyên nói.

Tương tự, có con đang theo học tại trường mẫu giáo trên địa bàn quận Ninh Kiều, chị Ngô Anh Thư băn khoăn: “Thời tiết oi bức, nếu phòng học không sử dụng quạt hay máy điều hòa thì các bé sẽ rất nóng và không chịu nổi, còn nếu có sử dụng thì lại lo các bé có nguy cơ mắc những bệnh về đường hô hấp”.

Sắp xếp các hoạt động ngoài trời tránh thời điểm nắng gắt. Ảnh: Yến Phương

Không riêng gì các bậc phụ huynh, đây cũng là những nỗi lo chung của giáo viên và nhà trường. Các trường học trên địa bàn TP Cần Thơ đã phối hợp tuyên truyền với phụ huynh trong việc chăm sóc và đưa đón học sinh, nhằm bảo vệ sức khỏe cho học sinh và tạo sự an tâm cho phụ huynh.

Ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT TP Cần Thơ - cho biết, ngành giáo dục thành phố đang chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh nắng nóng trong nhà trường mùa cao điểm.

"Trong đó, chú trọng môi trường thoáng mát cho học sinh, trẻ nhỏ; sử dụng các thiết bị làm mát ở nhiệt độ vừa phải để tránh sốc nhiệt, kết hợp mở cửa sổ cho thông thoáng phòng học. Đồng thời, các thầy cô cũng sắp xếp, bố trí lại những hoạt động ngoài trời, hoạt động ngoài giờ chính khóa, các tiết học thể dục sao cho phù hợp, tránh khung giờ nắng nóng, oi bức cho học sinh", ông Nhân nói.

Khuyến cáo của bác sĩ

Chia sẻ với Báo Lao Động, bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Cẩm Trinh - Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ - cho biết, mỗi ngày, Khoa khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận khoảng 1.600 - 1.800 lượt bệnh nhi đến khám. Trong đó, các bệnh về đường hô hấp chiếm tỉ lệ 40 - 45% và các bệnh lý về đường tiêu hóa khoảng 15 - 17%.

Bác sĩ Trương Cẩm Trinh chia sẻ với Báo Lao Động. Ảnh: Yến Phương

“Thời tiết nắng nóng này, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi làm cho những vi khuẩn, virus và côn trùng truyền bệnh như ruồi, muỗi sinh sôi và phát triển, tăng nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hóa,… nhất là với lứa tuổi học sinh, trẻ nhỏ”, bác sĩ Trinh lý giải.

Theo bác sĩ Trinh, các bậc phụ huynh cần quan tâm, hướng dẫn cho con mình biết những dấu hiệu của việc nhiệt độ cơ thể tăng cao (đỏ da, đau đầu, buồn nôn) và biết tìm nơi mát mẻ để nghỉ ngơi khi cần thiết.

Đồng thời, phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của các con, ăn uống đầy đủ chất để có sức đề kháng tốt; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi; đeo khẩu trang khi ra ngoài và những nơi đông người; tránh tiếp xúc với khói thuốc, nơi ô nhiễm, khói bụi; tạo môi trường nhà cửa xung quanh bé sạch sẽ, thoáng mát.

“Nếu thấy con có các dấu hiệu về nhiễm khuẩn hô hấp hay rối loạn tiêu hóa thì phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để các bác sĩ tiến hành kiểm tra, chẩn đoán bệnh, từ đó có phương án điều trị chính xác. Không được tự ý mua thuốc hay cho con dùng kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy,... điều này có thể gây hại cho các con” bác sĩ Trinh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn