MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Do dịch bệnh, hàng loạt trường mầm non tư thục rơi vào cảnh kiệt quệ đến mức phải rao bán trường Ảnh: Lan Nhi

Nỗi lòng những người phải rao nhượng lại trường mầm non giá rẻ

Tường Vân LDO | 23/11/2021 10:06

Hà Nội - Đóng cửa liên tục nhiều tháng liền, lại phải gánh các khoản chi phí lớn khiến nhiều trường mầm non tư thục rơi vào cảnh kiệt quệ đến mức phải rao bán trường với mức giá rẻ. Nhiều cơ sở đã phải chấp nhận giải thể trường học. 

Cực chẳng đã phải rao bán trường 

This browser does not support the video element.

Kiệt quệ vì dịch bệnh, nhiều trường mầm non tư thục đồng loạt rao bán trường. Video: Tường Vân.

Gắn bó với nghề suốt hơn 15 năm qua, chưa bao giờ chị Dương Thu Trang - Hiệu trưởng trường mầm non Smile Kids (phố Vọng, quận Hai Bà Trưng) cảm thấy tuyệt vọng như lúc này. Kể từ khi dịch bệnh ập đến vào đầu năm 2020, rất nhiều lần trường học của chị đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Chị đã xoay đủ nghề từ shipper, bán rau sạch,... nhặt nhạnh từng đồng để cố trụ lại với nghề. Nhưng lần này, ròng rã hơn 6 tháng trường học đóng cửa, tài chính kiệt quệ, mọi cố gắng của chị đều vượt quá giới hạn. Trường học của chị buộc phải giải thể...

Những ngày này, chị cố gom 1 số đồ dùng như bàn ghế, bảng, tivi, dụng cụ để gỡ gạc phần nào số vốn đã bỏ ra. Bộ đồ chơi vận động chị mới sắm sửa hơn 3 triệu đồng nay thanh lí chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Bàn ghế, giá dép, bản viết,... đều được bán với giá rẻ bèo, thậm chí chỉ vài chục nghìn đồng.

Nhẹ nhàng lau chùi, sửa soạn từng món đồ, chị Trang không khỏi tiếc nuối và nghẹn ngào:

"Dịch bệnh ập đến, ai cũng khó khăn về tài chính. Có muốn sang nhượng, rao bán trường với giá rẻ cũng chẳng ai mua. Bởi biết bao giờ học sinh mới đi học trở lại? Bao công sức gây dựng nên, giờ phải bán đổ, bán tháo, đồ đạc tan tác thực sự rất "đau"".

Sau hơn 6 tháng ròng không có nguồn thu nhập, cạn kiệt nguồn vốn đầu tư, hàng loạt trường mầm non tư thục trên địa bàn TP.Hà Nội gần đây đang liên tục phải rao bán, sang nhượng gấp trên mạng xã hội với mức giá chỉ từ 100 - 500 triệu đồng.

Để thu hút người mua, một số trường mầm non tư thục còn sẵn sàng để lại toàn bộ nội thất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học miễn phí nếu như ai đồng ý, chịu xuống tiền mua ngay. Thậm chí, nhiều cơ sở đành lòng giải thể sau thời gian dài gồng gánh chi phí. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Diệp, chủ 1 trường mầm non tư thục tại Hà Đông, Hà Nội không khỏi sốt ruột khi đã đăng tin rao bán trường nhiều lần trong hơn 1 tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được người mua. 

"Trường hoạt động được gần 6 năm, gồm 4 phòng học với khoảng 50 học sinh. Toàn bộ bàn ghế, trang thiết bị, đồ dùng dạy học còn mới nguyên. Mức giá đưa ra chẳng bõ bèn so với chi phí đầu tư mà bấy lâu đã bỏ ra. Nhưng bước đường cùng rồi, tôi mới phải rao bán như thế này" - chị Diệp xót xa. 

Không biết trụ được đến bao giờ

Gần 2 năm nay, chị Lê Bích Liên - Chủ Trường Mầm non Việt Mỹ và Trường Mầm non Hoa Anh Đào (Hà Nội) cũng rơi vào tình cảnh bế tắc, phải tìm mọi cách để bám nghề, đợi ngày trường học được mở cửa trở lại 

“Học sinh nghỉ học không có nguồn thu nhưng chúng tôi vẫn phải đóng đủ loại chi phí như tiền thuê mặt bằng, tiền điện, tiền hao mòn trang thiết bị dạy học,... tính sơ bộ mỗi tháng cũng phải tốn vài chục triệu đồng. Không biết trụ lại được đến ngày học sinh đi học lại không?” - cô Liên thở dài ngao ngán.

May mắn duy trì cơ sở mầm non được đến thời điểm hiện tại nhờ vào nghề tay trái kinh doanh online, chị Nguyễn Hương Giang, chủ nhóm lớp mầm non tư thục Gia Linh (Mê Linh) cảm thấy vô cùng xót xa khi chứng kiến đồng nghiệp lần lượt “dứt áo bỏ nghề” vì nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Mong mỏi duy nhất của chị Hương cũng như nhiều đồng nghiệp là dịch bệnh nhau chóng qua đi, để cuộc sống trở lại như trước kia.

“Nhiều cơ sở mầm non tư thục phải rao bán trường là thực trạng đáng buồn của toàn ngành giáo dục. Tôi đã chứng kiến rất nhiều bạn bè đã phải giải thể. Đó là tâm huyết rất lớn, sự nghiệp cả đời người. Đến bản thân tôi cũng rất hoang mang, không biết đến ngày nào chúng tôi mới có thể mở cửa trở lại, liệu tôi có thể trụ lại được đến ngày đấy không" - chị Hương nghẹn ngào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn