MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Lưu Thị Phương Loan trong buổi trò chuyện, tư vấn tâm lí cho học trò. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nỗi trăn trở của giáo viên để chữa lành tâm lí cho học trò

Phan Liên LDO | 25/09/2023 21:31

Cô giáo Lưu Thị Phương Loan (tỉnh Vĩnh Phúc) đang ấp ủ và xây dựng mô hình "Tư vấn tâm lí trực tuyến cho học sinh THPT” sau thời gian chứng kiến những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên.

Với nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô Lưu Thị Phương Loan nhận thấy, công tác hỗ trợ tâm lí cho học sinh trong các trường học là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay.

Sau đại dịch COVID-19, các khó khăn tâm lí của thanh thiếu niên có nhiều sự khác biệt, đồng thời nhu cầu cần hỗ trợ ở lứa tuổi này tăng cao, đòi hỏi cần đa dạng các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên.

Với vai trò của người làm công tác kiêm nhiệm hỗ trợ tâm lí trong trường học, cô giáo Lưu Thị Phương Loan đã tích cực học tập, nghiên cứu và hoàn thành khóa học Thạc sĩ tâm lí học lâm sàng.

Xuất phát từ những trăn trở, băn khoăn làm sao để có thể đem lại các nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, thuận tiện và an toàn trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh, cô Phương Loan đã xây dựng mô hình “Tư vấn tâm lí trực tuyến cho học sinh trung học phổ thông”.

Ưu điểm của mô hình tư vấn tâm lí trực tuyến là nhanh chóng và thuận tiện, giúp cho học sinh dễ dàng tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Nhưng cũng gặp không ít khó khăn về hạn chế trong việc phối kết hợp các biện pháp trị liệu.

Thạc sĩ Lưu Thị Phương Loan chia sẻ trong chương trình tập huấn chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường tại các trường THCS và THPT tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mô hình được triển khai thử nghiệm trong 3 tháng tại tỉnh Vĩnh Phúc với giải pháp “Xây dựng website và quy trình hỗ trợ tâm lí trực tuyến cho học sinh trung học phổ thông”.

Đ.N là một trong số hơn 50 học sinh đăng ký sử dụng dịch vụ thời gian thử nghiệm mô hình tư vấn tâm lí trực tuyến.

Đ.N có tâm trạng căng thẳng, lo lắng và suy nghĩ tiêu cực; mâu thuẫn với bố mẹ về định hướng nghề nghiệp; giảm hứng thú học tập và thiếu niềm tin tích cực.

Qua đánh giá của cô Phương Loan, vấn đề khó khăn của Đ.N là "Stress cấp tính". Sau 6 phiên tham vấn cho em và gia đình trong 2 tháng, Đ.N đã vượt qua giai đoạn căng thẳng tâm lí cấp tính, được bố mẹ ủng hộ chọn ngành học yêu thích và tự tin vào khả năng ôn tập của mình, chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT.

Cô giáo này cho biết, thời gian tới sẽ cố gắng hoàn thiện mô hình của mình với mong muốn sẽ được phổ biến rộng rãi, giúp đỡ được nhiều hơn nữa về sức khỏe tâm lí cho các em học sinh. Tiếp đó là góp phần vào sự phát triển của công tác hỗ trợ tâm lí học đường không chỉ riêng địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Mô hình tư vấn tâm lí trực tuyến của Thạc sĩ Lưu Thị Phương Loan trên cơ sở áp dụng hiệu quả trong thực tiễn, đã được tham gia Hội thi Sáng tạo kĩ thuật tỉnh Vĩnh Phúc lần IX (2022 – 2023) và Hội thi Sáng tạo kĩ thuật toàn quốc lần thứ XVII (2022 – 2023). Cô Phương Loan hy vọng, những đóng góp xây dựng môi trường học đường an toàn, khỏe mạnh của mình sẽ giúp lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn