MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Nữ sinh nghi tự tử vì uất ức: Cách kỷ luật của nhà trường rất phản giáo dục

Đặng Chung LDO | 07/12/2020 09:40

Do không đồng tình với cách kỷ luật của nhà trường, một nữ sinh lớp 10 tại An Giang được cho là đã tự tử để chứng minh bản thân không mắc lỗi. Nghiêm khắc trong giáo dục, dùng hình phạt để học sinh nhận ra cái sai là điều cần thiết, nhưng cách kỷ luật mà Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) đưa ra với học sinh, theo chuyên gia, là không nên, thậm chí là rất phản giáo dục.

Trường học không phải là tòa án

Câu chuyện về nữ sinh N.T.N.Y (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vĩnh Xương, Thị xã Tân Châu, An Giang) được cho là tự tử trong nhà vệ sinh tại trường học... nhận được sự quan tâm của dư luận những giờ qua.

Theo thông tin từ gia đình, Y uống thuốc với ý định tự tử, mà nguyên nhân bắt đầu từ việc nữ sinh không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức. Ngoài ra, giáo viên dạy môn toán trong lớp cho rằng em mặc áo dài mỏng, lộ “nội y”, và có lời nói làm nhiều bạn học trong lớp chú ý, khiến em ngượng ngùng. Đỉnh điểm, việc trường "bêu" tên học sinh mắc lỗi trước toàn trường, đã khiến nữ sinh xấu hổ, không phục.

Theo dõi vụ việc, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng - Giám đốc Hệ thống Cambridge Khai Minh – cho rằng, câu chuyện là bài học trong việc ứng xử giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhà trường, cũng như việc áp dụng các hình thức kỷ luật trong trường học hiện nay.

Theo TS Dũng, trước khi đưa một cá nhân ra kỷ luật, nhà trường phải tiến hành từng bước, như giáo viên chủ nhiệm gặp riêng học sinh, sau đó gặp gia đình để tìm hiểu.

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng. Ảnh: NVCC

TS Dũng cũng cho biết, qua theo dõi thông tin trên báo chí, ông không đồng ý với biên bản kỷ luật của hội đồng trường này với học sinh, cũng chưa thấy trường đưa ra đầy đủ tiến trình kỷ luật học sinh, trước khi đưa đến quyết định nêu tên em trước cờ, trước toàn trường.

“Quan điểm của tôi, trường học không phải là tòa án, mà kết tội học sinh đúng hay sai, mà chỉ dừng lại ở việc giải thích để học sinh hiểu điều gì là phù hợp, điều gì chưa phù hợp, để uốn nắn các em. Giáo dục xin đừng đẩy các em đến bước đường cùng. Tôi không bác bỏ tính kỷ luật, nhưng kỷ luật chứ không phải là trừng trị”- TS Dũng nêu quan điểm.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, nếu dùng kỷ luật để mang tính răn đe thì phải tìm hiểu kỹ bối cảnh dẫn đến việc phạm lỗi của học sinh. “Như vụ việc ở Trường THPT Vĩnh Xương, em học sinh có 9 năm là học sinh giỏi, ngoan. Mới lên cấp 3 được vài tháng, bước sang môi trường mới thì xảy ra sự việc này. Vậy thì phải xem lại môi trường mới, phương pháp, kỷ luật của nhà trường đã phù hợp với học sinh chưa? Quan điểm của tôi, giáo dục cũng cần cá biệt hóa chứ không cào bằng.

Học sinh ở tuổi vị thành niên, các cụ hay nói là "ăn chưa no lo chưa tới", chưa kể bị tác động bởi nhiều yếu tố dễ dẫn đến hành vi lệch lạc. Cá tính mỗi em cũng khác nhau, cùng một câu nói, biện pháp kỷ luật, với học sinh này là bình thường, nhưng với học sinh khác lại khiến các em không thể chấp nhận, giống như đánh đổ cả cuộc đời của em”- TS Dũng nói và cho rằng, nếu nhà trường không tiến hành đủ các bước như trên trước khi kỷ luật thì nữ sinh trong vụ việc đang bị bạo hành tinh thần, bạo hành trong chính ngôi trường mà em đang theo học.

Cần chuyên nghiệp hóa công tác tham vấn tâm lý học đường

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng cũng cho rằng, hiện trong các trường phổ thông hiện nay đang có một mảng trống rất lớn là thiếu vắng bộ phận tham vấn tâm lý học đường một cách độc lập, chuyên nghiệp.

Trong trường hợp có sự khác biệt về suy nghĩ, xung đột giữa học sinh và giáo viên, học sinh và nhà trường, thì rất cần một kênh trung gian thứ ba đứng ra tư vấn. Hiện không nhiều trường có bộ phận này, hoặc nếu có thì giao cho một giáo viên trong trường kiêm nhiệm. Như vậy sẽ không không khách quan, học sinh vẫn ngại bộc lộ quan điểm, giãi bày những tâm tư của mình khi gặp các vấn đề khúc mắc trong trường học.

“Quan điểm của tôi là giáo viên có quyền trách phạt, kỷ luật khi học sinh mắc lỗi, nhưng kỷ luật trong giáo dục là kỷ luật hành vi chứ không phải con người đó, để chỉnh sửa và lên tiếng vì hành vi đó chứ không phải lên án con người đó.

Chúng ta xét đoán một hành vi chứ không xét đoán con người, nhất là với đối tượng học sinh. Vì độ tuổi của các em là độ tuổi đang dung nạp, đang trong giai đoạn học hỏi, hình thành nhân cách. Nhà trường, gia đình, giáo viên cần kết hợp đồng hành cùng giáo dục học sinh và nhất quyết cần bộ phận tư vấn tâm lý trong các trường học để có tiếng nói công bằng, hạn chế những câu chuyện tương tự xảy ra trong tương lai”- TS Dũng nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn