MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: NV

NXB Giáo Dục nói về chi thù lao biên soạn sách giáo khoa cho lãnh đạo Sở

ANH NHÀN - HUYÊN NGUYỄN - ĐẶNG CHUNG LDO | 05/12/2019 16:38

Trước những tranh luận về đảm bảo tính khách quan, minh bạch, công bằng trong việc chọn sách giáo khoa cho chương trình mới khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi thù lao biên soạn sách hàng tháng cho hàng loạt lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này.

Thời gian qua, để chuẩn bị cho chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, các nhà xuất bản cũng tập đội ngũ chuyên gia để biên soạn sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông mới.  

Đơn cử, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã xây dựng Ban chỉ đạo sách giáo khoa từ rất sớm.

Theo tài liệu mà Lao Động có được, từ năm 2015 (năm 2018 Bộ GDĐT mới ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới) đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bỏ tiền để chi trả thù lao cho các thành viên trong ban soạn thảo bộ sách giáo khoa miền Nam.

Trong danh sách những người được chi trả thù lao có 11 người là Giám đốc, Phó giám đốc Sở, cùng Chánh văn phòng, phó văn phòng, các trưởng, phó phòng chuyên môn của Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh. Mức chi dao động từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng.

Bộ sách được thực hiện theo hợp đồng nguyên tắc ký ngày 25.9.2015 giữa Sở GDĐT TP.Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về việc tổ chức biên soạn, xuất bản bộ sách giáo khoa mới.

Báo Lao Động có cuộc trao đổi với đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.

PGS-TS Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết:

- Từ năm 2015, thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiến hành chuẩn bị về nhiều mặt để tổ chức biên soạn sách giáo khoa mới.

Theo đó, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở GDĐT TPHCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam, nói chính xác hơn là bộ sách giáo khoa được biên soạn bởi hầu hết các tác giả tại khu vực phía Nam. Bộ sách có tên là Chân trời sáng tạo.

Nhiệm vụ chính của ban chỉ đạo là định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo,… cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo.

Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên.

Trên cơ sở đó, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình.

PV:  Tại cuộc họp báo công bố sách giáo khoa mới, đại diện Bộ GDĐT khẳng định trong tất cả hồ sơ mà Bộ tiếp nhận đề xuất thẩm định sách giáo khoa lớp 1 không có sách nào là của Sở GDĐT TPHCM chủ trì biên soạn hay đứng tên tác giả. Vậy có thể hiểu ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam theo nghĩa nào?

- Như trên đã nói, Ban chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo được thành lập để hỗ trợ công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn cho Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam trong quá trình làm sách giáo mới.

Sách do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam giữ bản quyền và đăng ký thẩm định với Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa mới. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng chịu trách nhiệm về việc xuất bản, in và phát hành các cuốn sách do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đăng ký thẩm định và được phê duyệt sử dụng chính thức từ năm học 2020-2021.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng khi giao việc chọn sách giáo khoa về các địa phương theo Luật Giáo dục 2019 mà lãnh đạo, cán bộ của một sở GDĐT có thị phần lớn như TPHCM lại được trả thù lao hàng tháng của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thì việc chọn sách giáo khoa không thể khách quan, minh bạch được.

Điều này sẽ khiến cho việc cạnh tranh thiếu lành mạnh khi thực hiện nhiệm vụ chính trị là có nhiều sách giáo khoa. Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nhận định và lý giải thế nào về ý kiến này?

- Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu rất rõ: Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại mục c, khoản 1, điều 32 Luật Giáo dục sửa đổi áp dụng từ tháng 7.2020 cũng quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mới đây, dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông phải thành lập Hội đồng lựa chọn sách. Trong thành phần Hội đồng ngoài người đứng đầu cơ sở giáo dục còn có giáo viên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh. Hội đồng phải đảm bảo lựa chọn khách quan, minh bạch, dân chủ.

24 bản mẫu sách giáo khoa lớp 1 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được Bộ GDĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2020-2021 đều bám sát chương trình, đảm bảo chất lượng và phù hợp với học sinh.

Chúng tôi cho rằng các địa phương sẽ lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các nhà xuất bản trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy-học.

Trong bối cảnh mới có nhiều nhà xuất bản cùng xuất bản sách giáo khoa, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn kiên trì với mục tiêu phục vụ ngành Giáo dục là hàng đầu, kinh doanh là phương tiện. Chúng tôi mong muốn được đóng góp một cách hiệu quả vào việc đổi mới Chương trình và sách giáo khoa của ngành Giáo dục.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn