MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Phạm Thị Thu Phương gợi ý cách ôn thi hiệu quả môn Ngữ văn. Ảnh: TS247

Ôn thi tốt nghiệp THPT 2021: Chiến thuật để lấy điểm cao môn Ngữ văn

HUYÊN NGUYỄN LDO | 06/12/2020 06:57

Nắm bắt được cấu trúc đề thi THPT môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, phân bổ thời gian hợp lý, ôn thi đúng cách sẽ giúp học sinh hình dung định hướng việc học như thế nào để đạt kết quả cao nhất.

Cô giáo Phạm Thị Thu Phương - giảng dạy tại Tuyensinh247.com cho biết qua phân tích cấu trúc đề thi chính thức môn Ngữ văn năm 2020 và so sánh với đề tham khảo lần 2 năm 2020 cho thấy cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức khá tương tự nhau.

Cấu trúc đề gồm 2 phần đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm).

Ở phần I, đề cung cấp 1 văn bản đọc hiểu với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết đến thông hiểu, rồi đến vận dụng. Dù ở các mức độ của tư duy, nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc, nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,5 điểm.

Ở phần II, gồm câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội - giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ, câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học - không giới hạn dung lượng.

Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần bắt đầu từ việc trình bày cách hiểu về nội dung được đưa ra, biết ca ngợi điều tốt, phê phán những biểu hiện trái ngược, và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học nhận thức và bài học hành động ý nghĩa, thiết thực. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản. Cần chú ý đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu. Phổ điểm của câu 1 sẽ là 1,5 điểm.

Câu 2 yêu cầu học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kỹ năng phân tích, cảm thụ văn bản; mà còn phải thực sự hiểu nội dung cốt lõi của đoạn trích.

Như vậy dựa trên cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thì đề thi không những có thể kiểm tra, đánh giá được thực lực của đại trà học sinh chương trình phổ thông mà vẫn có thể dùng cho mục tiêu xét tuyển vào các trường đại học.

Trên cơ sở đó, cô giáo Phạm Thị Thu Phương đưa ra một số gợi ý để học sinh ôn thi tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Đối với phần nghị luận văn học, học sinh cần nắm chắc các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm. Sau khi có kiến thức nền tảng, cần vận dụng để rèn luyện kỹ năng tạo lập các văn bản nghị luận văn học. Trên cơ sở đó các em vừa ôn lại kiến thức vững chắc, vừa có kỹ năng xử lý thành thạo các dạng bài nghị luận văn học.

Ở phần đọc hiểu, học sinh cần xem lại toàn bộ các kiến thức về phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận,… để nắm chắc kiến thức. Ngoài ra, cần tham khảo thêm đề thi của Bộ GDĐT các năm trước, đề thi thử của các trường THPT chuyên và các trường nổi tiếng khác để rèn luyện, củng cố kỹ năng xử lý dạng bài một cách hiệu quả và khoa học.

Để làm bài nghị luận xã hội được hiệu quả nhất, ngoài việc rèn kỹ năng viết các em cần phải đọc thêm các thông tin về văn hóa – xã hội để mở rộng vùng hiểu biết của mình; đồng thời đó cũng là cách để trau dồi vốn từ.

Một phần quan trọng nữa là chúng ta cần phân bố thời gian hợp lý để làm bài. Thời gian luôn tỉ lệ thuận với dung lượng viết và điểm số từng câu. Phần đọc hiểu, chúng ta cần dành khoảng 15 đến 20 phút để làm; câu 1 phần làm văn cần dùng 20 đến 25 phút và còn lại câu nghị luận văn học nên dành cho 80 phút. Phân bố thời gian hợp lý cũng là một trong những bí quyết để có một bài làm tốt.

Ngoài ra, cần có kế hoạch tự ôn tập khoa học và thực hiện một cách nghiêm túc, tự giác. Xác định mục tiêu của mình, học đúng trọng tâm và chất lượng.

Học sinh cần tăng cường luyện tập các dạng bài: đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Làm thật nhiều đề thi thử bám sát cấu trúc của đề thi để có sự chuẩn bị tâm lý tốt nhất, cô giáo Phương nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn