MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo hướng dẫn học viên lớp xóa mù chữ ôn luyện bài vở. Ảnh: Lê Nguyên

Ông già, bà cả ở Kon Tum say sưa học chữ

Lê Nguyên LDO | 21/11/2023 22:12

Khi mặt trời khuất bóng thì nhiều lớp học xóa mù chữ tại Trường THCS Ya Xiêr, ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum lại sáng đèn. Học viên ở đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số từ trung niên cho đến cao tuổi.

Người già say học chữ

Một ngày giữa tháng 11.2023, khi mặt trời xuống núi, trên các ngả đường gập ghềnh ở xã Ya Xiêr, chúng tôi không khó để bắt gặp hình ảnh những người trung niên, cao tuổi đang cầm trên tay các tập sách vở đến trường tìm kiếm con chữ.

Bà Y Môk một người dân ở xã Ya Xiêr chia sẻ, vợ chồng mình được các cô giáo đến tận nhà vận động đi học lớp xóa mù chữ. Trong nhà thì chồng mình mới biết một ít nhưng vẫn ham học nên rủ đi học chung.

"Trước đây vì nhà quá khó khăn nên không được đi học. Khu vực gần đây cũng không có điểm trường nào nên việc tiếp cận con chữ là điều xa vời. Bây giờ việc đến trường đơn giản hơn nên cũng muốn được học để có thể viết được tên của bản thân và biết chuyện ăn học của các con" - bà Y Môk chia sẻ.

Tương tự, theo chị Y Pư, trước đây vì nhà đông con, phải phụ giúp gia đình nên chị chưa từng được tiếp xúc với con chữ. Thời đó ba mẹ chị cho rằng việc học đối với phụ nữ là không cần thiết, nên không cho con đi học.

Lớn lên đi ra ngoài nhiều chị cảm thấy ngượng ngùng khi đi làm giấy tờ phải nhờ người khác đọc để hiểu. Đến chữ ký cũng phải dùng tay điểm chỉ. Khổ nhất là mỗi lần ra thành phố có công việc thì không biết đọc tên đường, biển hiệu…

"Tôi và chồng đã chăm lo cho cả 3 đứa con đều đến trường đầy đủ. Bây giờ các con của chúng tôi lớn khôn và có công việc ổn định, nên tôi có thời gian rảnh rỗi để đến trường học chữ" - chị Y Pư cho biết.

Trong các lớp học xóa mù chữ mà nhà trường đang tổ chức thì ông A Dang (62 tuổi), là học sinh lớn tuổi nhất lớp. Tuy nhiên, hàng ngày ông A Dang rất mẫu mực và chuyên cần và chưa từng vắng mặt bất cứ buổi học nào. Bên cạnh đó, ông còn vận động được nhiều người thân, hàng xóm tham gia học tập.

Cô Y Glac - một giáo viên đứng lớp xóa mù chữ ở xã Ya Xiêr chia sẻ, phần lớn học sinh tham gia lớp học đều là người lớn tuổi, trải qua công việc đồng áng nên đã cứng tay, rất khó để uốn nắn chữ viết. Hơn nữa, nhiều người tuổi cao, mắt không nhìn thấy rõ mặt chữ trên bảng, nên trong buổi học phải đeo đèn pin để soi.

"Thấy các bác, các cô trung niên, người cao tuổi... vẫn đam mê học chữ nên mỗi lần tham gia giảng dạy tôi đều rất cố gắng truyền đạt dễ hiểu nhất để cho mọi người tiếp thu" - cô Y Glac cho biết thêm.

Nhiều học viên trung niên, cao tuổi tham gia lớp học xóa mù chữ. Ảnh: Lê Nguyên

Giúp mọi người dân đều biết đọc, biết viết

Theo thầy Lê Xuân Quang, Hiệu trưởng trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr, hiện tại trường mới mở thí điểm một lớp với 38 học sinh tham gia.

Khi có chủ trương mở lớp, bà con trong xã đều chủ động đăng ký tham gia đi học nên công tác vận động cũng đơn giản hơn rất nhiều.

Cùng với sự hỗ trợ của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã xây dựng chương trình 335 tiết học cho ba môn Toán, Tiếng việt, Tự nhiên xã hội. Mỗi ngày có 2 giáo viên chủ nhiệm đứng lớp chính, 2 giáo viên hỗ trợ công tác giảng dạy.

"Mặc dù lớp học mới chỉ bắt đầu khai giảng được hơn một tháng, nhưng chất lượng học tập đã được cải thiện rõ rệt. Bà con đọc và viết được các chữ cái cơ bản, giải được các bài toán lớp một" - thầy Quang chia sẻ thêm.

Bà Võ Thị Kim Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy cho biết, hiện toàn huyện Sa Thầy đang có 17 lớp học “xóa mù chữ”. Thời gian đầu, khi mới triển khai lớp xoá mù chữ giáo viên các trường tự nguyện đứng lớp dạy cho bà con.

"Với việc tổ chức các lớp xóa mù chữ, ngành Giáo dục huyện Sa Thầy mong rằng mọi người dân trên địa bàn ai cũng biết đọc, biết viết, biết tính toán để phát triển kinh tế gia đình và đặc biệt là làm gương cho con cháu noi theo" - bà Dung bày tỏ mong muốn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn