MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TPHCM đề ra 4 phương thức xét tuyển vào lớp 10 năm học 2021-2022. Ảnh: Huyên Nguyễn

Phân tích chi tiết về 4 phương thức xét tuyển vào lớp 10 THPT tại TP.HCM

Huyên Nguyễn LDO | 22/07/2021 18:37

4 phương thức xét tuyển được Sở GDĐT đưa ra để tuyển sinh vào lớp 10 THPT có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Căn cứ trên đề xuất và tham mưu của Sở GDĐT, UBND TPHCM sẽ quyết định một phương án phù hợp nhất.

Sở GDĐT TP.HCM vừa đề xuất 2 phương án cho tuyển sinh lớp 10 THPT trước diễn biến dịch bệnh COVID-19.

Phương án 1, tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chuyên và lớp 10 THPT như phương án cũ với thời gian thi vào ngày 16 - 17.8 nếu thành phố đảm bảo mức độ an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.

Phương án 2, chỉ tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 chuyên và xét tuyển lớp 10 THPT.

Cùng với phương án 2, Sở GDĐT cũng đưa ra 4 đề xuất xét tuyển vào lớp 10 THPT.

Đề xuất 1, xét tuyển căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn: Văn – Toán – Anh của lớp 9 làm điểm xét vào các nguyện vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của học sinh.

Theo Sở GDĐT, phương án này là sự thay thế của điểm thi bằng điểm trung bình 3 môn Văn – Toán – Anh của lớp 9 cùng với việc tất cả học sinh đều tập trung ôn tập trong năm học nên phù hợp nhất với việc thực hiện xét tuyển dựa trên các nguyện vọng đã đăng ký.

Nếu dữ liệu 3 môn Văn – Toán – Anh này được sử dụng thì việc tổ chức nhập liệu chung sẽ đồng bộ và quy trình thực hiện xét điểm lớp chuyên và sau đó xét lớp 10 THPT rất thuận tiện vì sẽ như các năm trước mà phụ huynh, học sinh đã tìm hiểu.

Phương án này cũng tận dụng được cơ sở dữ liệu có sẵn khi đăng ký xét tốt nghiệp THCS và thi tuyển sinh lớp 10.

Tuy nhiên, ở phương án này sẽ có tâm lý so sánh trong điểm số do đánh giá năng lực của các nơi chưa đồng đều. Tuy nhiên, với cách thay đổi hệ số bài kiểm tra của Bộ GDĐT từ năm 2020 đã phần nào giảm đi sự chênh lệch.

Trong đề xuất 2, Sở GDĐT căn cứ trên tổng điểm trung bình cả năm 3 môn: Văn – Toán - Anh và điểm trung bình các môn của lớp 9 làm điểm xét vào các vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của học sinh.

Phương thức này sẽ có ưu điểm đánh giá toàn diện về năng lực học tập của học sinh ở lớp 9 và 3 môn phù hợp với 3 môn thi; tận dụng được cơ sở dữ liệu có sẵn khi đăng ký xét tốt nghiệp thi tuyển. Nhưng cũng có tâm lý sẽ lo lắng vì một số học sinh học không tập trung đều các môn.

Ở đề xuất 3, Sở xét căn cứ trên tổng điểm trung bình 3 môn: Văn – Toán – Anh của lớp 6, 7, 8, 9 làm điểm xét vào các vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của học sinh.

Đề xuất này có điểm mạnh là đánh giá toàn diện về năng lực học tập 3 môn Văn - Toán - Anh của học sinh trong cấp THCS. Hạn chế là phải tiến hành bổ sung cơ sở dữ liệu và cần phải có các bước để học sinh và phụ huynh kiểm tra xác nhận tính chính xác giữa nhập liệu. Số môn xét có sự tương đồng với môn thi nhưng sẽ có tâm lý sẽ lo lắng vì một số học sinh học học các môn Văn – Toán – Anh ở lớp dưới có điểm không cao.

Ở đề xuất cuối cùng, Sở đưa ra phương thức căn cứ trên tổng điểm trung bình các môn của lớp 6, 7, 8, 9 làm điểm xét vào các vọng 1, 2, 3 đã đăng ký của học sinh.

Ưu điểm là đánh giá toàn diện về năng lực học sinh ở khối THCS. Thế nhưng, sẽ phải tiến hành bổ sung cơ sở dữ liệu và cần phải có các bước để học sinh và phụ huynh kiểm tra xác nhận tính chính xác giữa nhập liệu. Điểm xét không tương đồng với môn thi như thông báo tuyển sinh và các học sinh không tập trung ôn luyện, học tập đồng đều các bộ môn khác ở lớp 9 và các lớp 6,7,8.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn