MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phát triển giáo dục đại học ĐBSCL từ góc nhìn của Trường Đại học Cần Thơ

YẾN PHƯƠNG LDO | 28/02/2023 12:25
Theo lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang là "vùng trũng" về lao động có trình độ đại học, do đó cần phải có những sự chuyển dịch mạnh.

Vùng trũng” về lao động có trình độ đại học

Theo lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, trong những năm qua, tuy giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng nếu nhìn một cách toàn diện thì nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển tại vùng vẫn còn nhiều hạn chế và đạt thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Đây là trở lực cho bước tạo đà tăng tốc và cất cánh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu đối với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.

Lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ nhận định, ĐBSCL không chỉ là vùng “trũng” nhất về tỉ lệ lao động qua đào tạo mà còn là vùng “trũng” về lao động có trình độ đại học. Bởi tỉ lệ lao động qua đào tạo có trình độ đại học ở ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 7% so với mức cao nhất hơn 16% vùng Đông Nam Bộ hay 14,5% ở vùng Đồng bằng sông Hồng (theo số liệu của Tổng cục Thống kê 2021).

Tỉ lệ lao động qua đào tạo các cấp ở vùng ĐBSCL so với vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và trung bình cả nước. Nguồn: Tổng Cục Thống kê (2021)

Đối với giáo dục đại học (GDĐH), hiện về số trường, quy mô đào tạo, năng lực giảng viên vẫn còn hạn chế và ở mức thấp. ĐBSCL hiện có 16 trường đại học công lập và ngoài công lập, quy mô đào tạo của các trường khá khác nhau từ chỉ hơn 1.000 đến gần 35.000 sinh viên đại học, đồng thời chỉ có 6 trường có đào tạo trình độ tiến sĩ, 11 trường có đào tạo thạc sĩ.

Tính đến năm 2020, toàn vùng ĐBSCL có 160.653 sinh viên đại học trong tổng số 1.905.956 sinh viên của cả nước (khoảng 13,5% cả nước). Đội ngũ giảng viên cơ hữu các trường đại học ở ĐBSCL có tăng với mức xấp xỉ 5% (từ 2016 đến năm 2020), tuy nhiên đội ngũ giảng viên chỉ chiếm 9,08% so với cả nước và không đổi trong suốt 5 năm.

Về năng lực giảng viên của các trường hiện nay cũng còn hạn chế. Riêng Trường Đại học Cần Thơ số giảng viên có trình độ giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) đều chiếm tỉ lệ hơn 50% tổng số GS và PGS của toàn ĐBSCL, trong khi tỉ lệ giảng viên chỉ hơn 15%.

Tính đến tháng 6.2022, ĐBSCL có khoảng 10 triệu lao động, tuy nhiên, tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 14,9% và tỉ lệ lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên là 6,8%, thấp nhất cả nước (theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ).

Cần có sự chuyển dịch mạnh

Theo nhìn nhận của lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, sự thiếu hụt này có thể là do hệ thống GDĐH của vùng chưa phát triển, khả năng chi trả cho học tập đại học của người dân còn hạn chế, sự phân luồng trong giáo dục sau trung học chưa tốt,… do đó GDĐH của ĐBSCL cần phải có những sự chuyển dịch mạnh.

Qua đó, Trường kiến nghị cần tính toán cẩn trọng việc đầu tư hay mở rộng số trường đại học trong vùng; ưu tiên chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giảng viên; quan tâm đầu tư, phát triển cơ sở vật chất; ưu tiên tuyển sinh và đào tạo các ngành có nhu cầu cao; chú trọng vai trò của các bên liên quan, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng trong các hoạt động và tiến trình vận hành của cơ sở GDĐH.  

Riêng Trường Đại học Cần Thơ là trường trọng điểm quốc gia, trong năm học 2021 - 2022, trường đã đào tạo 10.344 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ. Đặc biệt, hiện trường đang quan tâm và trao đổi Đề án chuyển “Trường Đại học Cần Thơ” thành “Đại học Cần Thơ”.

Đối với Đề án này, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, mặc dù Trường Đại học Cần Thơ nằm trong nhóm các trường đại học công lập mạnh, có điều kiện cơ sở vật chất tốt, tuy vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước hiện tại cũng như đóng vai trò dẫn dắt phát triển khoa học của cả vùng ĐBSCL thì vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đến thăm Trường Đại học Cần Thơ chiều 27.2. Ảnh: Trường Tiến

Vì vậy, Bộ GDĐT mong muốn khi trường có ý định chuyển đổi mô hình cần chú trọng việc thiết kế đề án, trong đó cần thể hiện khát vọng, tầm nhìn sao cho không chỉ phát triển thành một trường đứng đầu ĐBSCL mà phải thuộc nhóm các trường hàng đầu Châu Á.

Ông Hà Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ - thông tin, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục theo đuổi và triển khai các thủ tục và tiến trình xây dựng Đề án chuyển “Trường Đại học Cần Thơ” thành “Đại học Cần Thơ”; hướng đến đổi mới mạnh mẽ phương thức quản trị với bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu quả, tiếp tục phát triển cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu và xu hướng đại học thông minh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn