MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Monisha Dewan - chuyên gia giáo dục Unicef Khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Ảnh: PV

Phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội – điều không thể quên dạy con

HUYÊN NGUYỄN (thực hiện) LDO | 27/08/2019 08:01

Những năng lực tình cảm, kỹ năng xã hội là viên gạch đặt nền tảng cho việc phát triển thể chất và tinh thần của mỗi cá nhân, tuy nhiên, việc giáo dục những điều này chưa được chú trọng nhiều tại Việt Nam. Bà Monisha Dewan - chuyên gia giáo dục UNICEF Khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhấn mạnh tới vai trò đặc biệt mà không phải giáo viên, phụ huynh, nhà quản lý nào cũng biết tới.

Thưa bà Monisha Dewan, phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội dường như vẫn còn là điều xa lạ với nhiều người Việt. Bà có thể khái quát về nội dung, những kỹ năng này?

- Phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội là một trong những nhiệm vụ thiết yếu và đầy thử thách của thời thơ ấu. Đó là việc giáo dục tình cảm xã hội cho trẻ. Qua các nghiên cứu về khoa học thần kinh, não cho thấy sự phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ.

Khi nói về giáo dục tình cảm xã hội, những năng lực rất quan trọng như áp dụng quy tắc xã hội, hài hoà với thiên nhiên, tôn trọng sự đa dạng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, tự chủ tích cực, giải quyết xung đột, tiếp nhận trên quan điểm những người khác...

Đây là những năng lực chúng tôi muốn phát triển ở trẻ, nhưng trước khi phát triển được ở trẻ thì cần hình thành ở người lớn – những người có tác động đến cuộc sống của trẻ như giáo viên, cha mẹ, những nhà quản lý. Họ phải hiểu biết được về những năng lực đó thì thông qua các hoạt động chuyên môn, sinh hoạt mới có thể xây dựng, hình thành năng lực trong trẻ. Chúng tôi đang phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý ở các vùng miền.

Ở Việt Nam, điều kiện kinh tế xã hội tại các vùng miền không đồng đều, đi cùng đó cũng là trình độ giáo viên không cân xứng, theo bà, điều này sẽ gặp khó khăn gì trong việc đưa mục đích của chương trình này vào giảng dạy trong toàn quốc?

- Tôi đến từ Ấn Độ và những thách thức mà Việt Nam đang phải đối diện cũng có ở đất nước của tôi. Tôi thấy phong trào giáo dục và công tác giáo dục ở Việt Nam là một điều đáng khen ngợi.

Đi các vùng miền ở Việt Nam, tôi nhận thấy sự khác nhau giữa thành thị và nông thôn khá rõ. Ngoài ra, số lượng lớn các dân tộc, dân cư đông đúc cũng tạo nên sự đa dạng. Mặc dù có sự khác biệt nhưng khi nói đến giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội thì đều có điểm chung và cần lồng ghép trong khung chương trình dạy học cho trẻ.

Điều quan trọng nhất mỗi giáo viên cần có là khả năng tự tin, tâm huyết, cảm nhận về chương trình rồi sau đó mang vào thực tế. Khi trẻ cảm thấy vui vẻ, an toàn, hạnh phúc thì mới có hứng thú học hỏi. Giáo viên phải làm được điều đó.

Một lớp tập huấn về phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: PV

Bà có thể nêu một ví dụ cụ thể về phát triển năng lực cho trẻ?

- Tôi muốn nhắc tới việc xây dựng hành vi hoà bình, đoàn kết cho trẻ thì không đợi đến khi lớn mới dạy cho con mà cần dạy ngay từ nhỏ.

Ví dụ như khi trẻ chơi với nhau xảy ra xung đột như giật đồ chơi của bạn, cấu bạn, đánh bạn… thì chúng ta dạy bằng cách quát nạt, đòn roi hay hướng cho con xin phép bạn, thoả thuận với bạn? Hãy đưa ra cho trẻ những lựa chọn tốt đẹp hơn giúp cho trẻ hiểu con nên làm thế nào, cần làm gì để khi trẻ gặp những thử thách có lựa chọn hành vi phù hợp hơn.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, ở đây không chỉ là dạy cho trẻ mà còn giúp những người dạy cho trẻ như giáo viên, gia đình, nhà quản lý hiểu vấn đề và khi đã dạy trẻ chắc chắn họ cũng sẽ làm tốt.

Vậy theo bà, những trường sư phạm đào tạo giáo viên mầm non cần làm gì để làm tốt việc phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ?

- Các chương trình giáo dục sư phạm, chương trình bồi dưỡng, tại chức từ xa cần phải đưa nội dung về phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội vào giảng dạy như một học phần và cần giải thích rõ ràng về sự cần thiết, nội dung của chương trình.

Khi đã dạy cho trẻ thì phải thực tế, do vậy điều cần thiết nữa là môi trường và con người để có thể giúp trẻ hình thành thái độ, hành vi. Chỉ nói thôi chứ không có hành động cụ thể thì sẽ không đem lại hiệu quả. Tôi cho rằng UNICEF và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cần ngồi lại với nhau để xây dựng một chương trình giáo dục, chiến lược thực sự phù hợp, hiệu quả, bài bản.

Xin cảm ơn bà!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn