MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh Lê Xuân Mạnh - Trường THPT Hàm Rồng (Thanh Hoá) trở thành quán quân Olympia năm thứ 23. Ảnh: Vân Trang

Phía sau đường lên đỉnh Olympia là chiến thắng của tinh thần tôn trọng sự học

Xuân Hùng LDO | 09/10/2023 14:23

Chiều nay (9.10), tại Hội trường Tỉnh ủy, tỉnh Thanh Hóa sẽ long trọng tổ chức Lễ Tuyên dương, khen thưởng em Lê Xuân Mạnh – học sinh lớp 12A1, Trường THPT Hàm Rồng, người vừa đoạt Vòng nguyệt quế tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23.

Không chỉ nhận được sự vinh danh của lãnh đạo tỉnh, ngay sau giây phút chiến thắng, gần 10.000 người tại Quảng trường Lam Sơn Thanh Hóa đã nổ tung cảm xúc hân hoan, tự hào.

Cả đêm qua và ngày hôm nay, khu phố nơi Mạnh sống sôi động không ngừng, ai cũng phấn khởi, hồ hởi, tự hào. Mọi người chuẩn bị đóng rạp, dọn đường, sắp xếp lại nhà cửa để đón nhà vô địch.

Đến sáng nay, mọi câu chuyện trong bữa cơm gia đình, ngoài quán nước ở Thanh Hóa, hầu như ai cũng nói đến chiến thắng kịch tính, ấn tượng của Lê Xuân Mạnh với niềm tự hào sâu sắc.

Bạn bè cùng lớp, cùng trường và thầy cô Trường THPT Hàm Rồng thì khỏi phải nói. Cả trường như một ngày hội. Không chỉ ở ngôi trường này, niềm tự hào, cảm hứng chiến thắng của Lê Xuân Mạnh đã lan tỏa khắp các ngôi trường ở vùng đất hiếu học Thanh Hóa và có lẽ, trên khắp đất nước.

Đường lên đỉnh Olympia là một gameshow truyền hình dành cho học sinh THPT và người chiến thắng trong các cuộc thi tuần, tháng, quý, đến cuộc thi năm cũng chỉ là người giỏi nhất trong những người tham dự gameshow chứ không hẳn đã là học sinh giỏi nhất toàn quốc.

Sau khi chiến thắng ở cuộc thi này, mỗi nhà vô địch còn chặng đường rất dài phía trước để học tập, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành, sống có ích cho gia đình và xã hội, đóng góp xây dựng, phát triển đất nước.

Tuy nhiên, mỗi học sinh, mỗi gia đình và mỗi địa phương có quyền tự hào về chiến thắng của học sinh ở gameshow truyền hình ý nghĩa này. Niềm tự hào đó chính là sự trân trọng việc học, đề cao tri thức – một truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Đã 23 năm trôi qua, những người làm chương trình truyền hình này vẫn bền bỉ, kiên trì; chất lượng chương trình ngày càng tốt hơn. So một số chương trình truyền hình khác, có lúc những người quan tâm đến sự học không khỏi chạnh lòng khi không nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng quan tâm và số tiền thưởng cho mỗi nhà vô địch tuần, tháng chỉ bằng một phần nhỏ của các gameshow giải trí.

Cuộc thi năm lần thứ 23 này, chương trình đã để lại nhiều ấn tượng. Các địa phương có điểm cầu đã chuẩn bị công phu, xứng tầm hơn. Điều đó không chỉ để cổ vũ riêng cho thí sinh của địa phương mình mà là sự cổ vũ, truyền cảm hứng về việc tôn trọng sự hiếu học chung cho tất cả học sinh.

Các câu hỏi trong chương trình thực sự trí tuệ, xứng tầm và cũng lần đầu tiên, người chơi là học sinh THPT nhiều lần tự tin giơ tay, xin giải thích rõ câu trả lời hay phản biện lại câu hỏi của Ban tổ chức. Điều đó là tín hiệu tích cực của tư duy phản biện nhằm tìm ra chân lý khoa học chứ không phải áp đặt "đã là thầy lúc nào cũng đúng".

Và đây cũng là lần đầu tiên, số tiền thưởng cho nhà vô địch lên con số gần 1,2 tỉ đồng. So với một chương trình truyền cảm hứng lớn cho việc học, con số này thật sự chưa lớn nhưng rõ ràng, đó là sự khẳng định, xã hội ngày càng quan tâm hơn đến chương trình nói riêng, đến việc học nói chung.

Việt Nam là đất nước đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tàn khốc nhưng vẫn kiên trì đứng lên và có bước phát triển như hôm nay, đó là kết quả của tinh thần hiếu học, ham học hỏi. Ngày nay, với thế giới phẳng, mở cửa, với tinh thần hiếu học, tôn trọng sự học, chắc chắn chúng ta sẽ thực hiện được hoài bão “sánh vai với các cường quốc năm châu” của Bác Hồ kính yêu.

Cuộc thi khép lại, chỉ 1 người giành Vòng nguyệt quế nhưng cả 4 học sinh đều là người chiến thắng. Tinh thần hiếu học, tôn trọng việc học chiến thắng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn