MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phổ cập bơi lội cho học sinh được xem là giải pháp quan trọng để phòng chống tai nạn, thương tích do đuối nước ở trẻ em. Ảnh: S.Tùng

Phổ cập bơi cho học sinh: Muốn dạy bơi nhưng không có bể

Bích Hà LDO | 03/05/2022 18:01

Chỉ trong 2 ngày, hàng chục học sinh đã bị đuối nước thương tâm. Mỗi khi xảy ra những vụ việc đau lòng, dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ em lại được nhắc tới. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, mục tiêu “phổ cập” bơi lội cho trẻ em vẫn còn nhiều trắc trở.

Khó trăm bề

Chỉ mới đầu hè, nhưng đã liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em bị đuối nước. Ở một đất nước nhiều sông hồ như Việt Nam, năm nào cũng xảy ra những vụ đuối nước thương tâm và hầu hết rơi vào các em học sinh.

Theo báo cáo của Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cuối năm 2020, khoảng hơn 2.000 trẻ tử vong do đuối nước mỗi năm ở Việt Nam. Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em độ tuổi 2-15 ở Việt Nam. Chúng ta cũng là nước có tỉ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Tuy nhiên, có một nghịch lý là bơi lội chưa được nhà trường, gia đình và xã hội chú trọng đúng mực, đưa vào dạy học sinh như một môn học chính thức.

Hằng năm, trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm, Bộ GDĐT đã có công văn chỉ đạo các Sở GDĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước cho học sinh tiểu học.

Theo đó, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai mô hình thí điểm dạy bơi trong các trường tiểu học bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương. Hầu hết các địa phương đều có đề án hoặc thí điểm việc phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn.

Theo thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy-Hà Nội), hiện việc dạy bơi cho học sinh không phải ngành giáo dục muốn là làm được vì còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất, nhân lực.

Ý thức được việc quan trọng phải dạy kỹ năng bơi lội cho học sinh, suốt 15 năm qua, nhà trường đã kiên trì thực hiện việc này. Hoạt động dạy bơi, phòng chống đuối nước được nhà trường đưa vào chương trình giáo dục thể chất, với mục tiêu học sinh hoàn thành cấp tiểu học, hoặc chậm nhất là THCS phải biết bơi. Để thực hiện mục tiêu này, nhà trường phải bỏ kinh phí để thuê dài hạn bể bơi gần trường để lấy chỗ dạy học sinh.

Nhưng hiện nay không phải trường nào cũng có điều kiện để thực hiện được việc này, đặc biệt là với hệ thống trường công lập. Ngay ở Hà Nội, rất nhiều trường không có bể bơi, các tỉnh thành khác cũng tương tự. Thậm chí, hiện nay, nhiều nơi còn thiếu giáo viên chuyên trách, hoặc có người thì lại thiếu bể bơi. Các thầy cô còn phải dạy bơi… trên giấy, chỉ dạy lý thuyết vì không có chỗ để thực hành.

Tận dụng cơ sở thể thao công lập để dạy bơi miễn phí cho học sinh

Năm 2018, khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao, các đại biểu đã tranh luận về việc quy định môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường, bên cạnh các môn văn hóa khác. Khi thực hiện việc này thì mới đạt được mục tiêu phổ cập kỹ năng bơi lội cho học sinh, giảm các vụ đuối nước thương tâm.

Sau các phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi. Việc tổ chức cho học sinh học bơi sẽ làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi.

Dù bơi không được quy định là môn học bắt buộc, nhưng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao đã quy định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc phối hợp giữa cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

Như vậy, việc dạy bơi cho học sinh đã được đưa vào luật và cũng chỉ ra giải pháp để khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất – là các địa phương cần tận dụng công trình thể thao, bể bơi ở các trung tâm thể dục-thể thao các quận/huyện để dạy bơi cho học sinh. Chỉ cần các địa phương thực hiện đúng trách nhiệm của mình, thì việc phổ cập bơi cho học sinh sẽ không còn trắc trở.

Thống kê của Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến cuối năm 2020, nước ta chỉ đạt 0,47 bể bơi/trường học. Ngay cả ở bậc đại học, chỉ có khoảng 13% các trường có xây dựng bể bơi trong trường. Đó là chưa kể việc vận hành, duy trì, bảo dưỡng bể khi đi vào hoạt động là một thách thức không nhỏ với các nhà trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn