MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phòng giáo dục đào tạo thường xuyên tham gia tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi. (Ảnh minh họa)

Phòng giáo dục đào tạo cấp quận/huyện đang có những nhiệm vụ gì?

Bích Hà LDO | 14/12/2017 13:30
Đề xuất nên giải tán phòng giáo dục quận/huyện để lấy tiền tăng lương giáo viên của thầy giáo Bùi Nam đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Vậy phòng giáo dục quận/huyện có chức năng và nhiệm vụ gì, có nên giải tán để tăng cơ chế tự chủ cho các trường hay không?

Chương II, Thông tư 11/2015/TTLT-BNV-BGDĐT nêu hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở GDĐT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng GDĐT thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quy định về chức năng, vị trí của phòng giáo dục như sau:

Phòng GDĐT là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương.

Phòng GDĐT có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở GDĐT.

Về cơ cấu tổ chức, Phòng GDĐT gồm có 1 trưởng phòng, 3 phó trưởng phòng và các công chức thực hiện công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Trước đây, phòng còn nắm việc tuyển dụng giáo viên, điều chuyển giáo viên từ trường này tới trường khác. Tuy nhiên, hiện nay công việc này đã được bàn giao cho ủy ban nhân dân huyện.

Công việc chính của phòng giáo dục hiện nay là thanh kiểm tra chuyên môn các trường học, sao lưu các công văn chỉ đạo của sở GDĐT để gửi đến cho các trường trên địa bàn.

Phòng còn thành lập các tổ cốt cán để đi về các trường dự giờ thăm lớp, đi học các chuyên đề, các phương pháp dạy học mới, tổ chức các buổi giao lưu chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hội thi giáo viên dạy giỏi….

Một việc dù không được quy định trong thông tư, nhưng được các phòng làm rất tích cực là: Làm cầu nối cho sở giáo dục bán sách giáo khoa, văn phòng phẩm về các trường...

Nhiều giáo viên than phiền vì tổ dự giờ của phòng về quá nhiều, gây áp lực cho nhà giáo.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh kiểm tra của phòng giáo dục chưa đạt được hiệu quả. Bằng chứng là các vụ tiêu cực trong giáo dục, chẳng hạn lạm thu ở các trường, phần lớn do báo chí phát hiện đưa tin sau khi có đơn khiếu kiện của phụ huynh.

Đề xuất giải tán phòng giáo dục cấp quận/huyện của thầy Bùi Nam đăng tải trên giaoduc.net đang gây chú ý: 

Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số quá lớn và cồng kềnh này làm tăng thêm sự ngột ngạt cho bức tranh biên chế đang ngày càng phình to.

Cả nước có 698 đơn vị hành chính cấp huyện, mỗi phòng có trên dưới 10 người, nếu tinh giản hoặc điều chuyển thì mục tiêu 10% sẽ không thành vấn đề.

Từ những dẫn chứng đó, thầy giáo Nam đề xuất nên xóa bỏ các phòng GDĐT, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn