MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cắt bỏ phụ cấp thâm niên sau cải cách tiền lương khiến giáo viên đau lòng. Ảnh: Phương Trang

Phụ cấp thâm niên có ý nghĩa thế nào với giáo viên

Trang Hà LDO | 07/02/2024 12:51

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách tiền lương, từ 1.7.2024 sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên với giáo viên.

Gắn bó với ngành Giáo dục gần 20 năm, trải qua nhiều thăng trầm cùng ngành, thầy Nguyễn Xuân Tuấn - giáo viên Trường THCS Thống Nhất (Hà Nội) không khỏi băn khoăn trước thông tin phụ cấp thâm niên của giáo viên sẽ bị bãi bỏ khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024.

"Cách tính lương mới khiến giáo viên chúng tôi vô cùng vui mừng và hạnh phúc, đó là một tin vui trong năm mới Giáp Thìn 2024. Tuy nhiên, câu chuyện bãi bỏ phụ cấp thâm niên chắc chắn sẽ khiến nhiều thầy cô công tác lâu năm trong nghề cảm thấy trăn trở.

Khi đã cống hiến lâu trong ngành, bỗng một ngày bị cắt phụ cấp thâm niên thì đó là thiệt thòi. Với chúng tôi, đó không chỉ là một khoản tiền đơn thuần mà là sự ghi nhận cho những năm gắn bó, nỗ lực cùng ngành. Nó cũng thể hiện sự trân trọng dành cho thầy cô đã giảng dạy lâu năm" - thầy Tuấn nói.

Thầy Tuấn hy vọng giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên. Ảnh: Trang Hà

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Mai Thu - công tác cùng trường với thầy Tuấn cho rằng - cắt bỏ thâm niên dành cho giáo viên là một điều vô cùng tiếc nuối.

"Phụ cấp thâm niên với nhà giáo là một sự khẳng định vị trí của giáo viên, thể hiện sự gắn bó của thầy cô với ngành Giáo dục. Khoản phụ cấp tuy không nhiều nhưng là sự tri ân, nguồn động lực để thầy cô cống hiến" - cô Thu nói.

Cuộc sống nhà giáo hiện nay còn nhiều khó khăn, không ít người đang phải làm đủ việc khác để nuôi đam mê của mình. Mong ước đơn giản nhất của nhà giáo là sống được bằng lương, dành hết thời gian cho đam mê, nhiệt huyết dạy học.

"Nếu chỉ riêng lương của hai vợ chồng đều làm giáo viên, không làm thêm bất cứ công việc nào thì rất khó để nuôi con cái ăn học, xoay sở cho chi phí sinh hoạt hàng ngày.

Vì vậy, chúng tôi rất cảm ơn lãnh đạo Đảng và Nhà nước, dù khó khăn nhưng vẫn quyết tâm thực hiện cải cách tiền lương, cải thiện đời sống cho cán bộ công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ nhà giáo. Hy vọng rằng, khi cải cách tiền lương, lương tăng, chế độ đãi ngộ phù hợp, giáo viên sẽ yên tâm cống hiến, không phải lấy nghề tay trái nuôi nghề tay phải" - cô Phạm Hoa - giáo viên Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) tâm tình.

Việc trả lương theo vị trí việc làm là chủ trương được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa ra tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách tiền lương.

Đối với giáo viên, khi thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024 sẽ có cơ cấu tiền lương mới gồm:

Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Đồng thời, bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề nghiệp (trừ quân đội, công an, cơ yếu) để đảm bảo tương quan tiền lương với cán bộ, công chức. Như vậy, phụ cấp thâm niên của nhà giáo sẽ không còn nữa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn