MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều phụ huynh lo lắng vấn đề đưa đón con đi học trong ngày đầu trở lại trường. Ảnh: Hải Nguyễn.

Phụ huynh chật vật đưa đón con trong ngày đầu trở lại trường

Tường Vân - Thiều Trang LDO | 08/02/2022 20:22

Trong ngày đầu học sinh Hà Nội được trở lại trường, nhiều phụ huynh bày tỏ niềm vui như được cùng con "tựu trường". Bên cạnh đó là những nỗi lo về dịch bệnh và những giải pháp đưa đón con đến trường trong bối cảnh nhà trường không tổ chức ăn bán trú, học sinh chỉ học một buổi/ngày.

Nỗi lo mang tên "không bán trú"

Theo quy định của Sở GDĐT Hà Nội, học sinh sẽ đến trường học trực tiếp 1 buổi mỗi ngày và nhà trường sẽ không tổ chức ăn bán trú. Do đó, bên cạnh niềm vui ngày con được trở lại trường, chị Nguyễn Thị Hà (Thanh Trì, Hà Nội) lại luôn trăn trở vấn đề đưa đón con đi học và tới trường.

"Sáng tôi sẽ đưa cháu đi học rồi đi làm. Trưa cháu sẽ tự đi bộ về. Cũng khó khăn, vất vả và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt nhưng đành chấp nhận và khắc phục bởi dịch bệnh là điều không ai mong muốn, chúng ta cần có sự thay đổi, chấp nhận để thích nghi với nó" - chị Hà bộc bạch.

Cũng trong tình cảnh đưa đón con đi học, anh Nguyễn Đức Hùng – phụ huynh có con học lớp 7 tại Trường THCS Thanh Liệt quyết định sắm cho con chiếc xe đạp mới, hướng dẫn con tự đi xe đạp đến trường.

"Trước đây, các con học và ở bán trú tại trường, gia đình đưa đón được. Nhưng hiện nay các cháu chỉ học 1 buổi nên tôi buộc phải cho con đi xe đạp tới trường. Tôi sẽ đi xe máy kèm theo con  một vài buổi đầu, hướng dẫn con qua đường, xử lí tình huống. Biết là khó khăn, nhưng trong điều kiện hiện nay, chúng ta cùng khắc phục để các con có được niềm vui đến trường " - anh Hùng nói.

Học sinh Trường THCS Thanh Liệt giãn cách vào cổng trường. Ảnh: Tường Vân.

This browser does not support the video element.

Tâm trạng phụ huynh trong ngày đầu cùng con đến trường sau thời gian dài học trực tuyến. Video: Tường Vân - Thiều Trang.

Phụ huynh “cúp” giờ làm đón con tan học

Trong khi 1 số phụ huynh để con tự tới trường, thì nhiều gia đình lại buộc phải lựa chọn giải pháp "cúp" giờ làm việc để đón con.

Dù con đã học lớp 12, nhưng gia đình anh Nguyễn Ngọc Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) trước nay vẫn duy trì việc đưa, đón con đến trường. Do vậy, khi nhận được thông báo học sinh chỉ học 1 buổi trên lớp, anh lại có phần lo lắng, xoay xở tìm cách giải bài toán ai sẽ là người đưa đón con khi tan học.

“Sáng sớm vợ chồng tôi có thể đưa cháu đi học, rồi tiện đường đi làm luôn. Trước kia, con học 2 buổi nên trưa ở lại trường, chiều tôi tan làm sẽ qua đón cháu về. Thế nhưng bây giờ, nhà trường quy định học sinh chỉ học buổi sáng và tan trường lúc 11h30 trong khi cả 2 vợ chồng tôi kết thúc giờ làm việc vào lúc 12h. 

Do đó, trưa nay, tôi đã phải xin nghỉ sớm để tranh thủ đón cháu. Nếu chỉ 1, 2 hôm có thể khắc phục nhưng cứ kéo dài như thế này quả là khó cho phụ huynh, đặc biệt là những gia đình đi làm nơi công sở” – anh Minh phàn nàn.

Cùng quan điểm với anh Minh, chị Lê Hồng Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, nếu đã cho học sinh đi học trực tiếp thì nên cho học cả 2 buổi thay vì đan xen trực tiếp, trực tuyến như hiện nay.

“Không chỉ trường con tôi học, rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp tôi đều than phiền vấn đề cho con trở lại trường dù ai cũng đều mong được đến trường.

Lớp con tôi học, nhiều cháu nhà xa, bố mẹ lại không thể đưa đón nên phải đi xe bus đi học. Thời gian đi lại rất nhiều, các cháu về lại phải vội vàng ăn trưa để bắt đầu học online tiếp vào ngay đầu giờ chiều. Các cháu thì mệt, vất vả vì không có nhiều thời gian nghỉ trưa còn phụ huynh chúng tôi thì khổ sở khi phải “cúp” giờ để đi đón con” – chị Mai chia sẻ.

Chính vì vậy, ngay sau buổi đầu tiên con đến trường học trực tiếp, chị Mai mạnh dạn đưa ra đề xuất, nhà trường nên bố trí cho học sinh đi học trực tiếp 2 buổi mỗi ngày như trước kia.

“Thực tế, việc đi học trở lại chắc chắn sẽ có rủi ro, nhưng học sinh đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID -19 nên nguy cơ mắc bệnh cũng giảm thiểu đáng kể. Tôi cho rằng, việc học 1 hay 2 buổi không phải là yếu tố tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng ngược lại, điều này gây nhiều khó khăn cho cả học sinh và phụ huynh” – chị Mai nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn