MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh Đà Nẵng bị động khi học online đầu năm học mới. Ảnh minh học: Nguồn Thuỳ Trang

Phụ huynh, học sinh Đà Nẵng bối rối với "học online"

THUỲ TRANG LDO | 07/09/2020 16:22

Chưa thể trở lại trường học vì dịch bệnh COVID-19 nên hiện toàn bộ học sinh tại Đà Nẵng phải học và kết nối với giáo viên qua mạng Internet. Thế nhưng, nhiều người đang rối bời vì mọi thứ còn khá bị động.

Phụ huynh bị động, lo sắm thiết bị cho con

Năm học mới 2020-2021 tại Đà Nẵng diễn ra trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Chính vì vậy, khi học sinh cả nước đã đến trường thì hơn 250.000 học sinh các cấp tại Đà Nẵng phải tiếp tục học online tại nhà.

Mặc dù, phương án này đã nằm trong kế hoạch của Sở GD-ĐT thành phố cũng như các trường nhưng hiện nay, nhiều phụ huynh học sinh cho biết đang bị động với lịch học, cách học này.

Anh Hà Thanh, một phụ huynh có con theo học trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu Đà Nẵng cho biết: “Lịch học của con tôi vào ngày thứ 2 đầu tuần nhưng tận nửa đêm chủ nhật, nhà trường mới thông báo. Trong khi đó, lúc nhận được bài giảng do thầy cô soạn trước bằng 1 video, chúng tôi bất ngờ vì cả khối học chung một bài, hoàn toàn không có tương tác. Việc này khiến gia đình khá bị động trong việc giúp con tiếp thu học tập đầu năm”.

Có chung thắc mắc với này, chị Nguyễn Lan, phụ huynh có con theo học trường cấp Tiểu học tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng cho biết: “Mặc dù thầy cô giáo chủ nhiệm có chủ động kết nối với phụ huynh học sinh nhưng dường như mọi thứ làm quá gấp gáp, không có sự chuẩn bị bài bản từ trước.

Đặc biệt, các em học tiểu học còn khá lạ lẫm với việc học online, việc tiếp xúc với giáo viên còn hạn chế, luôn cần có ba mẹ hỗ trợ. Ngay cả tôi còn cảm thấy việc học của con khá mù mờ, phụ huynh không biết phải hỗ trợ theo cách nào, chỉ biết đợi cô nhắn tin thông báo rồi làm theo”.

Các bài giảng được các trường đưa lên Internet để chuyển tải đến các học sinh. Ảnh: Thuỳ Trang

Trong khi đó, việc học online đang khiến nhiều phụ huynh khác tại Đà Nẵng “toát mồ hôi” vì phải lo trang thiết bị cho con.

Chị Nguyễn Thảo, một phụ huynh có con học THCS quận Sơn Trà cho biết: “Mặc dù nhà trường có nói là tuỳ vào điều kiện các gia đình, không bắt buộc 100% học sinh phải có thiết bị học online nhưng người làm cha mẹ nào cũng có tâm lý do dịch kéo dài, việc học qua mạng sẽ còn dài.

Nhiều phụ huynh trong lớp con tôi phải chạy đôn chạy đáo đi mua máy tính xách tay để con học online. Giá của chiếc máy cũ có giá chỉ gần 2 triệu đồng thì không thể đảm bảo máy chạy tốt hoàn toàn nhưng hoàn cảnh họ khó khăn chỉ lo được đến vậy. Việc học online tại Đà Nẵng hiện chưa biết hiệu quả đến đâu, chỉ thấy các thầy cô giáo thì vất vả soạn giáo án thể loại mới, mỗi buổi học thì cô trò nghe tiếng có tiếng không!”.

Nói "học trực tuyến" là chưa chính xác

Chia sẻ về câu chuyện này, cô N.M. - Hiệu trưởng một trường THCS tại Đà Nẵng nhìn nhận: “Cách học của chúng ta hiện nay không thể nói là học trực tuyến online mà chính xác hơn là thông qua mạng Internet để chuyển tải bài học đến cho học sinh trên hình thức bài giảng được soạn sẵn. Người học chỉ tiếp thu 1 chiều. Sau đó, thầy cô giáo chủ động kết nối 1 hoặc vài buổi để thảo luận, tương tác với học sinh.

Cách học này còn nhiều hạn chế nhưng để học online thực sự thì hệ thống giáo dục của ta hiện nay chưa có đủ cơ sở vật chất, thầy cô giáo chưa được tập huấn kỹ năng dạy online, chính học sinh và phụ huynh chưa được chuẩn bị tinh thần cho việc học online….

Vậy nên, ở thời điểm hiện tại, đây là hình thức dạy và học tối ưu nhất. Chúng tôi hiểu rõ những điểm hạn chế đó nên trong kế hoạch, những tuần học qua mạng Internet thế này chỉ tập trung cho học sinh ôn bài cũ, dạy bài theo hệ thống chung của trường. Khi đi học lại, các thầy cô sẽ giúp các em ôn tập lại những bài cũ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn