MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phụ huynh, học sinh đăng kí học thêm theo kiểu "buộc phải tự nguyện"

Nhóm PV LDO | 21/09/2023 09:27

Rất nhiều phụ huynh, học sinh than phiền, họ phải đăng kí học thêm tại trường trên tinh thần "buộc phải tự nguyện".

Học thêm kiểu "tự nguyện trên tinh thần ép buộc"

Bức xúc, cảm thấy bất công và khó hiểu - đây là tâm trạng của em Phạm Thanh Bình - học sinh lớp 10, Trường THPT Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) trong 3 tuần đầu đến lớp.

Với học sinh khối 10, ngoài lịch học chính khoá sáng thứ hai đến thứ sáu và 1 buổi chiều trong tuần, học sinh sẽ đăng kí học thêm môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Hoá học và 1 buổi tiếng Anh tăng cường (học cùng giáo viên nước ngoài). Sẽ không có gì đáng nói, nếu các tiết học thêm được nhà trường xếp vào buổi chiều, ngoài giờ học chính khoá và dựa trên tinh thần tự nguyện, mong muốn của phụ huynh, học sinh.

"Các tiết học thêm được xếp xen kẽ vào tiết học chính khoá. Chẳng hạn như giờ học tiếng Anh tăng cường, cô giáo phổ biến đăng kí tự nguyện, nhưng môn học này lại được xếp vào tiết thứ 2, tiết 1,3,4,5 là giờ học chính. Nếu chúng em không học tiết 2 cũng không biết đi đâu nên cả lớp đều đăng kí học" - Thanh Bình nói.

Dù phải đóng tiền hằng ngày để đi học thêm, song sau 3 tuần học, nam sinh đánh giá, việc học thêm, học tiếng Anh liên kết tăng cường không hề hiệu quả. Đa số học sinh đăng kí là vì áp lực trước những lời tư vấn của giáo viên.

"Cũng có nhiều môn em không muốn đăng kí, nhưng sau buổi họp phụ huynh, cô gọi từng bạn, từng bạn lên nói, giục nộp tờ đơn đăng kí học thêm viết tay nên nhiều bạn dù chưa hỏi ý kiến bố mẹ đã đăng kí.

Em cảm thấy bị áp lực và bức xúc bởi nhiều môn chẳng muốn học, vẫn phải đăng kí. Trong khi việc học thêm trên trường không hiệu quả, mất thời gian" - nam sinh nói.

Trường nói phụ huynh tự nguyện

Không riêng Thanh Bình, rất nhiều học sinh, phụ huynh tại Trường THPT Khương Đình cũng phàn nàn việc họ bị giáo viên chủ nhiệm tư vấn, động viên đăng kí tham gia các lớp học thêm.

"Nhà trường yêu cầu các học sinh theo khối Khoa học tự nhiên phải đi học thêm các môn Toán - Lý - Hoá - Văn - Anh - Sinh. Còn ban xã hội thì nhà trường bắt các em học các môn Toán - Văn - Anh - Sử - Địa - Công dân.

Nhà trường tự đề ra sổ đầu bài buổi chiều nhằm ghi tên những em nào nghỉ học phụ đạo, tự ý dựa vào sổ đó để đánh giá hạnh kiểm các em học sinh" - phụ huynh có con học tại Trường THPT Khương Đình phản ánh tới Báo Lao Động.

Trong khi đó, Ban giám hiệu Trường THPT Khương Đình luôn khẳng định, việc dạy thêm, học thêm được tổ chức hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không có chuyện trường ép buộc phụ huynh, học sinh tham gia. Sổ đầu bài là để quản lí, theo dõi học sinh, không phải với mục đích đánh giá, xếp loại hạnh kiểm.

Chưa bàn đến chuyện ép buộc hay không ép buộc, nhưng rõ ràng, việc nhà trường đan xen các tiết học thêm, dạy thêm vào giờ học chính khoá là làm khó phụ huynh, học sinh, dồn họ vào thế khó lòng từ chối đăng kí.

Đấy là chưa kể đến chuyện, nhà trường liên kết với đơn vị tư nhân để đưa chương trình liên kết học tiếng Anh tăng cường vào giảng dạy. Có hay không việc ăn chia hoa hồng với các đơn vị liên kết như Báo Lao Động đã từng phản ánh? Rất nhiều câu hỏi được phụ huynh, học sinh đặt ra và chờ lời giải đáp từ phía nhà trường.

Không riêng Trường THPT Khương Đình, hàng loạt trường học trên địa bàn Hà Nội đều xảy ra tình trạng ngang nhiên "hô biến" giờ học thêm, dạy thêm thành giờ học chính khoá.

Sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động về tình trạng các trường học liên kết với trung tâm, đơn vị tư nhân bên ngoài để dạy thêm, đã có rất nhiều phụ huynh, bạn đọc trên cả nước gửi và cung cấp các thông tin về tình trạng dạy thêm tràn lan ở địa phương mình. Phụ huynh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc, có chỉ đạo rà soát hoạt động dạy tăng cường, dạy thêm của các trường trên toàn quốc.

*Tên học sinh đã được thay đổi theo yêu cầu

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn