MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có con lên lớp 1, nhiều cha mẹ cho biết gặp khó khăn trong việc kèm cặp con học ở nhà. Ảnh: PNVV

Phụ huynh lớp 1 phải “đánh vật” kèm con học

Thiều Trang - Bích Hà LDO | 02/10/2020 16:07

Vất vả khi kèm con học tiếng Việt... là những điều phụ huynh có con vào lớp 1 gặp phải trong những ngày đầu năm học mới.

Phụ huynh "than" chương trình mới nặng

Những ngày gần đây, nhiều phụ huynh đã nêu quan điểm về chương trình lớp 1 mới. Áp lực có con vào lớp 1, cộng với năm đầu triển khai dạy học theo chương trình và sách giáo khoa mới đã khiến nhiều cha mẹ loay hoay trong việc kèm cặp con học ở nhà.

Theo chị Nguyễn Thị Thức (huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa), sau gần 1 tháng học sách khoa mới, con không có thời gian nghỉ ngơi vì về nhà phải làm bài tập liên tục.

“Tôi cảm thấy chương trình lớp 1 có khối lượng kiến thức quá lớn, nhiều môn học khiến con bị áp lực. Tôi nghĩ với các môn như Tự nhiên và xã hội; Hoạt động trải nghiệm, Đạo đức thay vì ép con đọc sách, giáo viên nên hướng dẫn con kiến thức thực tiễn để con có hứng thú và không cảm thấy nặng nề" - phụ huynh cho biết.

Nhiều phụ huynh khác thì lo lắng con chưa thực sự thích nghi được với môi trường mới, bạn bè mới. Dù mới vào đầu năm học nhưng con đã có tâm lý "sợ đi học".

“Ngoài giờ học trên lớp, về nhà con phải học đánh vần, ghép từ, luyện viết, làm toán; nhiều lúc con chán nản thậm chí còn tỏ ra sợ sệt vì không thể nhớ cách đọc nguyên tiếng với những vần dài để kịp trả bài cho cô. Thật sự đây là áp lực rất lớn khiến con sợ đến lớp"- chị Nguyễn Lan Anh (phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ.

Phụ huynh ngày đi làm, tối về “vật vã” dạy con

“Tối nào tôi cũng “đánh vật” với con”, “Tôi và con phải làm bài đến 23h mới xong”, “Ngồi vào bàn học là con khóc”,... là những phản hồi từ phụ huynh có con vào lớp 1 trong thời gian gần đây.

Phụ huynh Lê Huyền (có con học lớp 1 tại Bình Dương) bày tỏ lo lắng với tình trạng học tập của con: “Mỗi khi lấy sách vở ra học bài con lại mếu máo, sáng dậy không muốn đến trường; con nói ghét làm toán, không thích đánh vần cũng không thích ghép chữ. Mỗi lần như vậy, mình phải nhẹ nhàng chỉ dẫn thậm chí nịnh để con ngồi vào bàn học, thật sự rất thương con”.

Ngày đi làm, tối về, chị Huyền đều phải dành từ 2 đến 3 tiếng để kèm con học Tiếng Việt. Nhiều hôm hai vợ chồng chị phải “đánh vật” với con vì con ghép vần còn chậm và chưa thể đọc thành thạo. Trong khi con thì "nước mắt ngắn dài".

Chị Huyền bày tỏ, trẻ con 5, 6 tuổi không thể nhớ nhanh, nhớ giỏi như người lớn nên việc dạy quá nhiều vần trong thời gian ngắn khiến con gặp khó trong việc tiếp thu kiến thức. Tuy nhiên, sách tiếng Việt mới dạy liên tục nhiều vần, nếu không kèm con ở nhà thì sợ con không theo kịp.

Cũng theo phụ huynh này, chương trình lớp 1 là để các con làm quen với chữ, để tạo hứng thú học tập cho các con. Nếu ngay từ đầu năm học khối lượng kiến thức đã quá nặng, sẽ khiến học sinh áp lực, sợ đến lớp, thậm chí kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ.

Trước những ý kiến của phụ huynh, giáo viên, TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GDĐT cho biết, đến hiện tại, Bộ chưa nhận được bất kỳ phản ánh chính thức nào từ giáo viên, cơ sở giáo dục, nhà khoa học về vấn đề này.

TS Tài cho rằng hiện mới trải qua vài tuần trải nghiệm và vẫn đang triển khai chương trình chuẩn đầu ra. Bộ sách giáo khoa đã được thẩm định bởi hội đồng quốc gia với những quy định chặt chẽ, nên những nhận định cho rằng chương trình, sách giáo khoa mới nặng là chưa đủ căn cứ.

Đại diện Bộ GDĐT cũng khẳng định Bộ GDĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến phản biện, vấn đề phát sinh. Khi có đầy đủ căn cứ khoa học, qua các giai đoạn, đánh giá nhiều mặt, chương trình sẽ được điều chỉnh kịp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn