MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Phụ huynh nghèo trăn trở, giáo viên gợi ý món quà 20.11 quý nhất

Văn Sỹ LDO | 13/11/2022 19:30

Nhiều năm gần đây, không ít phụ huynh lựa chọn những món quà đắt tiền, hay những chiếc phong bì để gửi tặng thầy cô mỗi dịp 20.11. Điều này vô tình tạo nên một sự so sánh giữa các em học sinh và trăn trở của phụ huynh, nhất là với những lao động nghèo.

Trăn trở của phụ huynh

Những ngày gần đây, bà Lê Thu Tâm (56 tuổi, ở xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng) nặng trĩu nỗi lo khi ngày 20.11 sắp đến. Chồng mất cách đây 15 năm, bà Tâm một mình mua gánh bán bưng để nuôi 2 người con gái đến lớn và dựng vợ gả chồng. Người con gái nhỏ của bà Tâm sau khi lập gia đình nương tựa với mẹ ruột.

Sau khi sinh đứa con gái thứ 2 thì thần kinh không bình thường. Vì thế bà Tâm vừa phải nuôi con gái vừa nuôi 2 đứa cháu đi học tiểu học. Gần đây, 2 đứa cháu đi học về cứ nhắc bà Tâm sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam và dặn ngoại chuẩn bị quà để tặng thầy, cô chủ nhiệm lớp. Điều này làm cho bà Tâm thêm suy tư, trăn trở suốt cả tuần nay.

“Biết rằng là mình nghèo, nhưng cũng phải thể hiện tấm lòng với thầy, cô giáo của sắp nhỏ. Tội nghiệp 2 đứa nhỏ biết bà ngoại bán quán nước mía không có tiền, sợ tôi không mua quà được cho chúng nó tặng thầy, cô. Mà tôi cũng rầu lắm, vì nếu kêu cháu tặng một cành hoa, món quà nhỏ thì sợ không bằng bạn bằng bè. Nhưng, nếu tặng món quà lớn hơn thì tôi không đủ khả năng. Tôi có gọi điện cho con rể (cha của 2 cháu bé) tranh thủ lãnh lương tuần gửi về chừng 400.000 để mua quà gì đó trong khả năng vừa đền ơn thầy, cô đã quan tâm dạy dỗ con cháu của mình”, bà Tâm chia sẻ.

Cũng có chung nỗi niềm như bà Tâm, vợ chồng chị Trần Thị Thanh Thùy (38 tuổi, ngụ thị xã Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết: Mấy đêm nay khi 3 đứa nhỏ ngủ, vợ chồng chị bàn với nhau xem tặng quà gì cho thầy, cô giáo chủ nhiệm và giáo viên một số bộ môn. Hai vợ chồng bàn tới bàn lui cũng chưa quyết được là sẽ tặng gì.

“Cha của sắp nhỏ thì kêu chuẩn bị 3 cái phong bì “coi được” để tặng giáo viên chủ nhiệm. Vì nhiều phụ huynh khác cũng dự định tặng như thế. Nhưng mà tôi đi làm công ty may lương chưa đầy 4 triệu/tháng; ông xã thì chạy xe tải chở trái cây gần đây nên thu nhập ngày có ngày không. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn phụ nuôi ông ngoại sắp nhỏ bị tai biến. Cũng rầu, phải chi ngày 20.11 của tụi nhỏ giống như cái thời trước thì mình không phải đau đầu như vầy”, chị Thùy thở dài.

Món quà quý nhất

Mang những nỗi niềm trước thềm Ngày nhà giáo Việt Nam của những phụ huynh như bà Tâm, chị Thùy chia sẻ với Nhà giáo Ưu tú Thái Đình Hướng, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng (Hòa Bình, Bạc Liêu), thầy Hướng cũng thở dài bày tỏ: “Sao phụ huynh lại cứ suy tư như thế chứ!?”.

Với kinh nghiệm mấy mươi năm trên bục giảng, thầy Hướng đã có những chia sẻ về cách ứng xử của phụ huynh và học sinh để tri ân thầy, cô giáo cho đúng nghĩa.

Theo thầy Hướng, có lẽ do có nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng con em mình, muốn nhận được sự quan tâm dạy dỗ của thầy, cô nên đã đặt nặng vấn đề tri ân bằng những món quà quý giá, hay những chiếc phong bì. Tuy nhiên, đây không phải là “cách” mà tôn sư trọng đạo được thể hiện qua thái độ học tập, rèn luyện của học sinh, thái độ của phụ huynh với các thầy, cô giáo.

“Với những người thầy, người cô có cái tâm, chân chính thì họ chẳng bao giờ bận tâm học sinh, phụ huynh tặng quà gì, giá trị thế nào. Điều thầy cô cần đó là sự đồng hành của phụ huynh trong dạy dỗ con em để cùng nhà trường giúp chúng nên người. Còn với các em học sinh, món quà quý nhất để tri ân thầy cô là cố gắng chăm ngoan, học hành nghiêm túc, tiến bộ thì thầy, cô sẽ rất quý và thương yêu. Vì vậy, tôi nghĩ các bậc phụ huynh và cả các em học sinh đừng nên bận tâm hay nặng lo vấn đề quà cáp trong các dịp lễ, tết”, thầy Hướng trải lòng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn