MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh phải thông qua môi trường và các điều kiện thực hành. Ảnh minh họa: Hải Đăng

Phụ huynh phản đối việc thu tiền dạy thêm kỹ năng sống trong trường tiểu học

QUANG ĐẠI LDO | 07/09/2023 06:30

Từ năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Tuy nhiên, đến nay, hoạt động dạy thêm vẫn diễn ra trong nhà trường tiểu học dưới những hình thức khác nhau như dạy kỹ năng sống.

Dạy tăng cường kỹ năng sống hay dạy thêm trá hình?

Ngày 6.9, phụ huynh có con học tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) phản ánh với phóng viên: “Mới vào đầu năm học, cô chủ nhiệm đã thông báo đề nghị phụ huynh đăng ký cho con học thêm kĩ năng sống, 1 tuần 1 tiết bố trí vào chiều thứ 5, mức phí 15 nghìn đồng/tiết, cộng cả năm là 600 nghìn/học sinh”.

Theo phụ huynh, mặc dù là chương trình tự nguyện nhưng phụ huynh hầu như không thể từ chối, bởi vì tiết học được bố trí trong giờ chính khóa, nếu học sinh nào không đăng ký thì phải ra ngoài. Mặt khác khi nghe đến “kỹ năng sống” thì phụ huynh nghĩ là cần thiết và bổ ích nên không ngại ngần đăng ký.

Tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm lớp cấp tiểu học ở TP. Vinh đề nghị phụ huynh đăng ký cho con học thêm kỹ năng sống. Ảnh: Hải Đăng

Trao đổi với phóng viên về nội dung nói trên, chuyên gia giáo dục Lê Văn Vỵ (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh) cho biết việc tổ chức dạy học như trên là không phù hợp, cần xem xét lại trách nhiệm của nhà trường, giáo viên chủ nhiệm.

“Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, đặc biệt là cấp tiểu học, thuộc về nhiệm vụ của nhà trường, giáo viên. Toàn bộ chương trình giáo dục tiểu học đã được thiết kế để rèn kỹ năng sống cho học sinh. Nếu giáo viên phải tổ chức dạy thêm kỹ năng sống, nghĩa là việc dạy nội dung này trong nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu, do đó cần xem xét trách nhiệm của những người liên quan” - chuyên gia Lê Văn Vỵ nói.

Mặt khác, theo ông Lê Văn Vỵ, việc dạy kỹ năng sống phải thông qua mọi hoạt động giáo dục và thông qua thực hành, với môi trường, điều kiện, yêu cầu cụ thể. Ví dụ dạy trẻ nấu ăn, may vá thì phải có dụng cụ, dạy bơi thì phải có bể bơi… Còn dạy kỹ năng sống mà tổ chức 1 tiết học/tuần ngồi trong lớp và không có các dụng cụ, phương tiện, môi trường thực hành thì rất khó có tác dụng.

Dạy kỹ năng sống có vi phạm quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo?

Về góc độ luật pháp, qua trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Đình Việt (Hà Nội) cho biết, từ năm 2012, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 17 về dạy thêm học thêm, trong đó cấm dạy thêm ở bậc Tiểu học.

Cụ thể, khoản 2, Điều 4, Thông tư 17/2012 quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

“Lưu ý các khái niệm trong Thông tư 17 là “bồi dưỡng”, “rèn luyện”, nghĩa là các hoạt động thuộc về trách nhiệm của nhà trường và không thu tiền. Còn khi trường tổ chức hoạt động giáo dục để thu tiền, thì đó là dạy thêm, và như vậy đã vi phạm Thông tư 17 của Bộ GDĐT” – luật sư Lê Đình Việt khẳng định.

Cụ thể, Thông tư 17 định nghĩa: “Dạy thêm, học thêm trong quy định này là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình”.

Ngày 6.9, trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết việc tổ chức dạy tăng cường kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường thực hiện theo quy định tại Thông tư 04/2014 của Bộ Giáo dục - Đào tạo, với chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

"Còn việc triển khai, tổ chức như thế nào do các Phòng Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo và tổ chức, theo nguyên tắc không được đưa nội dung dạy kỹ năng sống vào chương trình chính khóa để thu tiền. Việc tổ chức dạy kỹ năng sống cũng phải xác định rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp, bảo đảm hiệu quả.

Vấn đề này, Sở sẽ cho kiểm tra và chỉ đạo xử lý đúng quy định" - đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nghệ An nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn