MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh" Giaoduc.net

Phụ huynh “tố” trường Nguyễn Đình Chiểu: Trẻ khiếm thị học đề cương không có chữ nổi...để hòa nhập

Đặng Chung LDO | 21/12/2017 07:00
Theo Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm, việc Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) yêu cầu học sinh khiếm thị ôn tập bằng đề cương in trên giấy bình thường như của trẻ mắt sáng là không công bằng với trẻ khiếm thị.

Nhiều năm nay, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu áp dụng phương thức giáo dục hòa nhập, để trẻ mắt sáng học cùng với các em khiếm thị, tạo động lực cùng giúp nhau học tập.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số phụ huynh có con là trẻ khiếm thị đang học tại trường, họ chưa bao giờ thấy lo lắng và bất an như thế trước chủ trương “hòa nhập” của lãnh đạo Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.

Trong khi trường Nguyễn Đình Chiểu ngay từ lúc thành lập đã đặt mục tiêu là ngôi nhà đặc biệt của trẻ khiếm thị, phải dành mọi ưu tiên cho trẻ, nhưng gần đây trẻ khiếm thị đang chịu nhiều thiệt thòi.

“Ở các thời hiệu trưởng trước, ngoài sách giáo khoa, học sinh khiếm thị còn được phát đề cương ôn tập bằng chữ nổi, còn bây giờ thì không có nữa. Nhà trường phát cho con tôi đề cương như các bé mắt sáng khác, tức là in bằng giấy bình thường. Tôi nói thẳng: Con tôi bị mù, có nhìn được như trẻ mắt sáng đâu mà phát đề cương giống như thế.

Với trẻ khiếm thị, bàn tay được ví như đôi mắt thứ hai, các con sờ và cảm nhận. Không có chữ nổi, các con ôn tập thế nào được” – một phụ huynh chia sẻ với Lao Động.

Trong buổi làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường về những thông tin phụ huynh phản ánh, phóng viên nhiều lần nhắc lại nội dung: Nhà trường nên có đề cương ôn tập bằng chữ nổi cho các cháu khiếm thị, để công bằng cho trẻ.

Lúc đầu, bà Trần Thị Phương Lan – Phó Hiệu trưởng phụ trách khối khiếm thị Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu nói rằng việc này phụ thuộc vào từng bộ môn và giáo viên có đề nghị hay không. Nếu giáo viên không yêu cầu chuyển đề cương ôn tập sang chữ nổi thì đương nhiên nhân viên trực ở phòng máy của trường không thể làm được.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, bà Lan lại khẳng định: Khi các cô giáo cho câu hỏi ôn tập, các bạn ấy phải tự làm đề cương chữ nổi chứ cô không in đề cương sẵn. Một kênh nữa là các anh chị sinh viên tình nguyện có thể đọc phần bài tập đấy chuyển thành yêu cầu đề bài và học sinh khiếm thị sẽ làm bài tập.

Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) yêu cầu học sinh khiếm thị làm đề cương ôn tập như trẻ mắt sáng là không công bằng.

"Đối với trẻ khuyết tật không chỉ thực hiện phương pháp giáo dục chuyên biệt cho phù hợp với từng loại trẻ khuyết tật, mà còn phải giúp trẻ sớm hòa nhập với xã hội.

Nhưng nếu trong quá trình hòa nhập chúng ta lại cào bằng giữa trẻ khuyết tật với trẻ thường trong phương pháp giáo dục và các chính sách chăm sóc là chúng ta đã vô tình bỏ rơi trẻ khuyết tật, không thực hiện đúng phương pháp giáo dục hòa nhập với trẻ khuyết tật; đồng thời còn làm trái với các chính sách của Đảng, nhà nước về bảo vệ và chăm sóc trẻ khuyết tật" - TS Lâm chia sẻ.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội – nói thêm, Thủ đô có một ngôi trường hòa nhập hết sức hiện đại như trường Nguyễn Đình Chiểu, đây là ngôi nhà cho trẻ khuyết tật ở miền Bắc.

Tuy nhiên để giáo dục hòa nhập được thành công cần thực hiện theo hai nguyên tắc: Thứ nhất cần giúp cho trẻ khuyết tật phát triển được tài năng riêng của mình. Nhà trường cần biết tạo ra môi trường giáo dục lấy cuộc sống hòa nhập của người bình thường thúc đẩy người khuyết tật phát triển, chứ không phải là thương hại trẻ khuyết tật mà cho người ta hòa nhập.

Thứ hai, đừng giữ tư tưởng các cháu khuyết tật sẽ cản trở các cháu bình thường, mà là tạo ra môi trường thách thức với trẻ. Ví dụ, khi một đứa trẻ học trong môi trường giáo dục hòa nhập, sẽ rèn giũa chúng phải biết yêu thương, giúp đỡ những người gặp khó khăn.

Đương nhiên mục đích ra đời của trường Nguyễn Đình Chiểu là hỗ trợ, chăm sóc, dạy dỗ cho trẻ khuyết tật, nên các em cần được quan tâm hơn, được học tập với điều kiện tốt nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn