MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh Trường Dân lập quốc tế Việt Úc tập trung sáng 23.5 với nhiều băng rôn mong sự giúp đỡ. Ảnh: Tuệ Nhi

Phụ huynh Trường Việt Úc lần 3 phản đối học phí

HUYÊN NGUYỄN LDO | 23/05/2020 19:57
Lần thứ 3, hàng chục người tập trung phản đối, căng băng rôn kêu cứu. Mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt giữa phụ huynh và hàng loạt trường quốc tế về học phí online trong mùa dịch do cách tính khác nhau, các trường không đối thoại.

Ngày 23.5, lần thứ 3, khoảng gần 100 phụ huynh Trường Dân lập quốc tế Việt Úc (VAS) mang băng rôn yêu cầu trường đối thoại về chính sách học phí. Lí do khiến sự việc ngày càng trở nên căng thẳng là vì theo phụ huynh cách tính học phí online và phí bổ sung của VAS bất hợp lí với thực tế dạy và học; lịch học bù sau dịch dày đặc ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần học sinh.

Phụ huynh Trường Dân lập quốc tế Việt Úc tập trung sáng 23.5. Ảnh: Tuệ Nhi

Những chính sách được điều chỉnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 được nhà trường chủ động đề ra mà không tổ chức đối thoại và thông qua phụ huynh. 

Ngoài ra, phụ huynh còn phản ứng về chất lượng dạy học, khẩu phần ăn, sức khoẻ và an toàn của học sinh, chứng chỉ liên quan đến việc du học. Nhiều lần phản ánh đến trường nhưng cha mẹ học sinh vẫn chưa nhận được câu trả lời thoả đáng. Phụ huynh cần sự công khai, minh bạch, thỏa thuận và coi trọng.

Chị Đinh Trung Hà - phụ huynh học sinh lớp 10, cơ sở Sala, đại diện nhóm phụ huynh học sinh VAS bức xúc: "Hôm nay, lần thứ 3 phụ huynh phải đến trường để xin đối thoại thực sự là điều không ai mong muốn. Đại diện nhóm đến từ 8h sáng để xin gặp lãnh đạo nhà trường nhưng không ai tiếp. Sau đó, nhóm phụ huynh mới phải căng băng rôn".

"Cách đối xử của nhà trường khiến chúng tôi phải nghi ngờ về một môi trường giáo dục được quảng bá là "quốc tế". Kinh doanh trong giáo dục là một ngành rất đặc thù cần một cái tâm và cách ứng xử có văn hoá", chị Hà chia sẻ.

Khoảng cách của nhà trường và phụ huynh chỉ qua một tấm rào chắn cổng nhưng dường như ngày càng xa nhau. Không chỉ riêng VAS, những cánh cổng trường đang tạo nên những khoảng cách vô hình.

Trong sáng 22.5, phụ huynh Trường Quốc tế Úc (AIS Saigon) tập trung ở cổng trường cũng tập trung lần 2, căng băng rôn để mong được nhà trường tiếp tục đối thoại để giải quyết triệt để vấn đề.

Phụ huynh Trường Quốc tế Úc tập trung sáng 22.5. Ảnh: Tuệ Nhi

Về cách thu học phí, các trường quốc tế hầu hết đều có chung lí giải là học sinh nghỉ dịch hơn 3 tháng nhưng họ vẫn phải duy trì hoạt động, cơ sở vật chất, dạy học trực tuyến, trả lương cho giáo viên, đặc biệt là "giữ chân" đội ngũ giáo viên nước ngoài. 

Phụ huynh Huỳnh Thị Mỹ Dung, có con đang học lớp 11 và lớp 1 Trường Quốc tế Úc, bày tỏ: "Trường tư thục cũng giống như doanh nghiệp, muốn giữ chân người tài thì tự phải có chính sách và bỏ kinh phí tích luỹ ra để giữ được thương hiệu. Phụ huynh sẵn sàng giúp đỡ nhà trường nhưng đây không phải cái cớ để nhà trường đưa ra áp đặt chính sách bắt ép phụ huynh chấp thuận".

Chia sẻ về vấn đề này, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Đại học Phú Xuân cho rằng nhà trường và phụ huynh đều có cái lý của mình.

Phụ huynh vẫn phải trông con, hướng dẫn con học. Chất lượng học online, về cơ bản, không thể bằng 100% học trực tiếp. Điều này hết sức rõ ràng, không có gì phải bàn cãi.

Còn các trường khó kéo dài năm học vì một số lý do như hợp đồng với giáo viên, chi phí cơ sở vật chất, vận hành...  

TS Minh cũng đưa ra so sánh, việc phụ huynh phản đối giống như mua hàng, trước giá 10 đồng, nay chất lượng kém mà khách vẫn phải trả 10 đồng. Họ không hài lòng, dù chi phí "sản xuất" có thể cao hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn