MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều năm nay, điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019 luôn ở mức thấp. Ảnh: T.L

Phương pháp dạy sai khiến môn Lịch sử “đội sổ” về kết quả thi?

Nguyễn Văn Lực - Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa. LDO | 17/07/2019 18:33
Trong kì thi THPT quốc gia 2019, môn Lịch sử có điểm trung bình là 4,3 điểm. 70% số bài thi có điểm dưới 5. Đây là môn “đội sổ” về kết quả thi năm học này. 

So với các năm trước, điểm trung bình môn sử cũng báo động đỏ rồi, năm 2016 là 4,49; năm 2017 là 4,6; năm 2018 là 3,79. 

Điểm thi môn Lịch sử năm nay có cao hơn năm 2018 (0,51) nhưng nhìn chung vẫn thấp. Tại sao điểm Lịch sử lại luôn thấp như vậy? Có 33 năm dạy Lịch sử ở trường THCS, bản thân tôi rất buồn trước thực trạng này, có phải học sinh quay lưng với môn Lịch sử?

Phổ điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. 

Bình tĩnh suy xét, thì kết quả đó cũng là sự việc diễn ra theo đúng quy luật, bởi những lý do sau mà theo ý thiển cận của tôi, xin được chia sẻ cùng đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh để phần nào lý giải kết quả nói trên.

Tâm lý xem nhẹ môn Lịch sử

Về thực tế, đa số phụ huynh xem nhẹ môn học này, vì phụ huynh cho rằng thực tế Lịch sử học để biết vậy thôi chứ không ứng dụng gì trong nghề nghiệp tương lai sau này (chỉ cần thiết nếu học để đi dạy lịch sử hoặc nghiên cứu sử). Do vậy phụ huynh không quan tâm đến mà chỉ đầu tư cho con học Toán, Lý, Hóa, Tiếng Anh… để dễ chọn ngành, nghề, trường cho con em mình để mong con có cơ hội có việc làm tốt hơn. Điều này cũng khó trách phụ huynh, Nói cách khác quy luật của cuộc sống là vậy!

Về chương trình-sách giáo khoa: Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, sự thắng lợi hay thất bại trong từng cuộc kháng chiến đều có nguyên nhân của nó.

Ở góc độ bộ môn Lịch sử, “học sinh quay lưng” có nguyên nhân từ đâu? Một số thầy cô cho rằng: “Chương trình quá nặng nề, chi tiết, bắt các em phải nhớ quá nhiều, cách kiểm tra vẫn là học thuộc lòng. Nội dung sách giáo khoa môn Lịch sử đậm chất báo cáo, nghiêng về sự kiện: Nào là những chiến dịch, những trận đánh, ta tiêu diệt bao nhiêu tên địch, bắn rơi mấy chiếc máy bay, xe tăng, tàu chiến…”.

Học sinh phải nhớ những điều ấy là thiên tài cần gì phải học nữa! Nhiều phụ huynh, học sinh có nói đùa thật xót xa rằng: “Dân ta phải biết sử ta, nếu mà không biết thì tra google”. Như vậy, do chúng ta sai lầm về chương trình, dạy- học, kiểm tra, thi môn Lịch sử là nguyên nhân tất yếu khiến học sinh chán học lịch sử.   

Nhìn thẳng sự thật để thay đổi

Về phương pháp: Theo tôi là do phương pháp giáo dục sai lầm. Chúng ta vẫn giáo dục theo hướng tiếp cận nội dung mà chưa chuyển sang tiếp cận năng lực. Nhồi nhét một mớ kiến thức có sẵn, vừa nặng về học thuộc ghi nhớ, vừa nặng về tuyên truyền mà không biết áp dụng vào đâu sẽ gây ra sự nhàm chán. 

Dạy Lịch sử theo tôi là truyền cho các em cái tinh thần của dân tộc, lòng biết ơn với tổ tiên qua những nhân vật lịch sử thì mới khắc sâu và đọng lại trong các em, chứ không phải những số liệu khô khan, diễn biến dài dòng của những trận đánh, những chiến dịch…

Đây là một sai lầm về phương pháp dạy - học và kiểm tra môn Lịch sử và chính thầy cô dạy sử chưa cùng đồng tâm tạo nên một sự thay đổi cần thiết về dạy-học-kiểm tra-thi môn Lịch sử. Mong quý thầy cô hãy nhìn thẳng vào sự thật về thực trạng dạy-học môn sử để giúp các em tìm được sự hứng thú với môn học này!

Về trách nhiệm: Với tôi phải tự nhận lỗi rằng một phần trách nhiệm do chưa đủ tâm huyết để gây hứng thú, kéo học sinh về với quá khứ hào hùng của cha ông, cho học sinh trong những giờ học lịch sử. 

Nhưng với 1,5 tiết/tuần thì thật khó. Rồi khi có dự giờ, thao giảng, hội giảng, sinh hoạt chuyên môn cụm, thật buồn đồng nghiệp chỉ chăm chăm đánh giá giáo viên có truyền thụ hết kiến thức trong sách giáo khoa hay không, dạy còn thiếu ý này, ý khác, ý này là trọng tâm, ý kia là cơ bản, có liên hệ, có lồng ghép, có tích hợp… để đánh giá xếp loại tiết dạy chứ không xem học sinh có hiểu bài hay không?

Đối với tôi, dạy Lịch sử không phải là như vậy, lịch sử suy cho cùng là một câu chuyện kể về quá khứ, khi dạy miễn làm sao học sinh thích thú nghe câu chuyện là đủ rồi, từ đó sẽ lắng đọng dần trong tâm hồn các em một cách tự nhiên mà không cần phải nhồi nhét, bắt học thuộc lòng.

Tôi tha thiết mong rằng cán bộ quản lý ngành giáo dục hãy để cho chúng tôi tự do sáng tạo, kể lại câu chuyện lịch sử. Tất nhiên đó là sự thật, vì lịch sử vẫn là lịch sử, hơn nữa bản thân lịch sử là một khoa học, mới hy vọng học sinh hứng thú, không thờ ơ với môn Lịch sử và sớm khắc phục những nguyên nhân nêu trên.                          

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn