MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều học sinh có tư tưởng “môn chính là môn học để thi“. Ảnh: Thiều Trang

Phút trải lòng của giáo viên môn phụ

Nguyễn Văn Lực (Giáo viên trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa) LDO | 09/04/2023 12:39

“Sao thầy không học, dạy môn gì khác mà đi học, dạy môn Giáo dục công dân”? Đó là câu hỏi của một học sinh lớp tôi chủ nhiệm cách nay đã lâu lắm rồi nhưng tôi vẫn chưa trả lời em. Là một giáo viên, thật buồn khi không ít người vẫn quan niệm, phân biệt môn chính, môn phụ. 

Thiếu hợp lí trong phân phối chương trình?

Nói về môn Giáo dục công dân (GDCD), rất nhiều người có chung suy nghĩ đó không phải là môn chính. Ngay trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, điều này cũng thể hiện rõ khi số tiết dạy môn này được quy định đúng một tiết/tuần trong khi các môn Toán, Ngữ văn đều 4 tiết/tuần; Lịch sử, Địa lí 1,5 tiết/tuần…

Ở đây không phải là sự so sánh về thời lượng tiết dạy giữa các môn học mà điều là tôi muốn nói là sự thiếu hợp lý trong phân phối chương trình giảng dạy hiện nay.

Do bố trí thời gian dạy quá ít, thầy cô dạy môn GDCD không có điều kiện để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hướng dẫn học sinh thực hành xử lý tình huống…để lôi cuốn các em. Chưa kể, nội dung sách GDCD hiện nay rất khô khan, tình huống thiếu thực tế, nặng về lý thuyết.

Sách GDCD nếu muốn hấp dẫn học sinh, phải phong phú về nội dung, hình thức trình bày. Tại sao chúng ta không đưa những câu chuyện ngụ ngôn, câu chuyện về cuộc sống quanh ta, những tình huống, những vấn đề có tính thời sự trên các phương tiện thông đại chúng để học sinh đọc, hiểu thay vì những khái niệm máy móc: “Như thế nào là biết ơn?”, “Trung thực là thế nào?”, “Thế nào là tôn trọng lẽ phải?”, “Chí công vô tư là gì?”…

Là một giáo viên, tôi phải nói thật, nhiều thầy cô dạy môn GDCD chưa có đủ tâm huyết để giảng dạy môn học này vì nhiều lý do. Trước hết là học sinh và cả phụ huynh ít quan tâm đến môn học này. Tâm lí chung của cha mẹ là chỉ đầu tư cho con học các môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh… để dễ chọn trường, ngành nghề. Còn môn GDCD, Lịch sử, Địa lý... thì chỉ học cho biết.

Ngay cả ngành giáo dục cũng chưa thật sự quan tâm đến môn học này. Nhiều thầy trăn trở: “Tại sao không đưa môn GDCD vào kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, huyện, tỉnh, quốc gia và là một trong những môn được lựa chọn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm? Như vậy mới thể hiện môn học này ngang hàng với các môn học khác".

Trong trường học, thầy cô dạy môn GDCD cũng bị đồng nghiệp “nhìn” dưới góc độ không mấy “thiện cảm”, nhất là mỗi khi học sinh vi phạm nội quy của trường như: Đánh nhau, vô lễ, gian lận trong kiểm tra, vi phạm luật giao thông,… thì đều đổ lỗi cho thầy cô dạy GDCD không đến nơi đến chốn.

Giáo dục học sinh biết sống có trách nhiệm, biết yêu thương, sống tử tế,… không phải là trách nhiệm của thầy cô dạy môn GDCD mà là của nhiều lực lượng: Nhà trường, gia đình, xã hội các đoàn thể trong đó người thầy đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh sau này.

Giáo viên cũng cần thay đổi

Nhiều học sinh, phụ huynh vẫn còn giữ quan niệm phân biệt môn chính - môn phụ. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Theo tôi, để giảng dạy có hiệu quả môn GDCD không cần phải dạy lý thuyết. Hãy dạy học sinh bằng những việc làm, hành động, thái độ ứng xử cụ thể trước các tình huống trong cuộc sống hàng ngày.

Ví dụ khi dạy bài 16 - lớp 8 - "Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác", thay vì cho học sinh đọc phần "Đặt vấn đề" trong sách giáo khoa trang 44, 45 như thường lệ, tôi quyết định dùng thông tin đăng tải trên báo chí: “Đỗ Văn Bằng, học sinh lớp 10A8 Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã trả lại hơn 40 triệu đồng cho người mất và em Đỗ Nhật Nam, học sinh lớp 3A Trường tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cũng trả lại 44 triệu đồng cho người mất” để giảng dạy học trò. 

Câu chuyện từ thực tế bao giờ cũng khiến các em cảm thấy hào hứng, chăm chú và dễ tiếp thu tri thức hơn là những lí thuyết khô khan, máy móc.

Từ ví dụ nhỏ nêu trên có thể thấy, nếu chúng ta thay đổi quan điểm, thầy cô đầu tư hơn nữa về phương pháp giảng dạy cùng với việc bộ GDĐT thay đổi chương trình nội dung, sách giáo khoa khắc phục những hạn chế nêu trên, tin rằng, chúng ta sẽ không phải bận tâm GDCD là môn chính hay môn phụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn