MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Năm học 2022-2023, nhiều trường THPT ở Đắk Nông quá tải, điều này cho thấy công tác phân luồng, hướng nghiệp sau THCS cần được chú trọng hơn nữa. Ảnh: Phan Tuấn

Quá tải đầu vào học sinh lớp 10 THPT ở Đắk Nông, vì đâu?

Phan Tuấn LDO | 25/08/2022 17:14

Đắk Nông - Phân luồng học sinh sau THCS mang ý nghĩa quan trọng, góp phần cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Bài học nhiều trường THPT đang quá tải đặt ra yêu cầu công tác phân luồng học sinh vào lớp 10 cần được quan tâm đúng mức.

Nâng cấp các cơ sở đào tạo

Huyện Đắk Glong là địa phương vùng sâu vùng xa. Những năm qua, ở địa phương này, dân số tăng cơ học lớn. Năm học 2022-2023, số lượng học sinh xin vào học ở Trường THPT huyện Đắk Glong quá tải.

Trong bối cảnh này, học sinh ở huyện Đắk Glong cũng không thể theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Bởi trường này không đào tạo văn hóa, thậm chí còn thiếu cơ sở vật chất, hoạt động ở trụ sở tạm.

Ông Hoàng Huy Tùng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong cho biết, đề án khi mới thành lập, Trung tâm có 2 chức năng là dạy văn hóa và dạy nghề.

"Thế nhưng, hiện nay, trung tâm không chỉ thiếu cơ sở để tổ chức dạy học mà còn không có giáo viên dạy văn hóa. Do đó, nhiều năm qua, công tác tuyển sinh của Trung tâm gần như chỉ tập trung vào lĩnh vực đào tạo nghề ngắn hạn" - ông Tùng khẳng định.

Theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, một trong những nguyên nhân khiến học sinh “chưa thực sự quan tâm” tới giáo dục nghề nghiệp chính là điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu đào tạo nghề theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập.

Trong khi đó, nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, hầu hết phụ thuộc vào nguồn Trung ương hỗ trợ. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên chưa đủ về số lượng và chất lượng. Hiện nay, hầu hết trung tâm giáo dục nghề nghiệp chưa có giáo viên cơ hữu, chủ yếu là giáo viên thỉnh giảng.

Ngoài ra, giáo viên chưa được bố trí kinh phí cho đi nghiên cứu khoa học hoặc được chuyển giao về khoa học, kỹ thuật hiện đại... Đây là nguyên nhân chính khiến cho kết quả hoạt động của các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên  chưa thực sự nổi bật.

Cần tháo gỡ những... "nút thắt" 

Thực hiện Quyết định (số 522/QĐ-TTg ngày 14.5.2018) của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Đắk Nông cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018-2025.

Nội dung kế hoạch phấn đấu đến năm 2020, ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS và 30% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng.

Tỉ lệ này sẽ tăng lên 30% và 35% vào năm 2025. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, học sinh chọn vào học tại các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên vẫn rất hạn chế.

Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã được hỗ trợ nhiều cơ chế, chính sách từ Trung ương về đào tạo nghề. Trong đó, học sinh tốt nghiệp bậc THCS, khi tham gia học tập tiếp tại các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sẽ được hỗ trợ 100% học phí theo quy định tại Nghị định (số 81/2021/NĐ-CP).

Bên cạnh đó, ngày 28.10.2021, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Nghị quyết (số 12/2021/NQ-HĐND) quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, từ ngày 1.11.2021 cho đến hết ngày 31.12.2025, tỉnh Đắk Nông sẽ sử dụng ngân sách Nhà nước, hỗ trợ học phí và tiền ăn cho tất cả học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, những học sinh, sinh viên này phải học tập trung chính quy (kể cả liên kết đào tạo, liên thông) tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.

Điều này cho thấy, Nghị quyết 12 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắk Nông chỉ là áp dụng cho học sinh học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, không áp dụng cho các cơ sở ngoài công lập. Đây là “nút thắt” đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong xu thế xã hội hóa giáo dục.

Đối với việc này, nhiều người đang công tác giáo dục cho rằng, thực chất của các chính sách, đối tượng thụ hưởng là người học, không phải là cơ sở đào tạo. Do đó, việc chỉ hỗ trợ cho học sinh tại các cơ sở giáo dục công lập là thiếu công bằng với học sinh ở cơ sở giáo dục ngoài công lập.

"Nếu chính sách hỗ trợ được cả 2 loại hình vừa công lập và ngoài công lập thì sẽ khuyến khích học sinh có thêm lựa chọn phù hợp với bản thân. Lúc này, các cơ sở giáo dục cả công lập và ngoài công lập đều phải nỗ lực, đổi mới, nâng cao năng lực chuyên môn để thu hút người học. Như vậy, sẽ một mũi tên nhưng trúng hai đích” - một lãnh đạo ngành Giáo dục phân tích. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn