MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Tiên học lễ, hậu học văn" là khẩu hiệu đã rất quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh. Ảnh: Thanh Chung

Quan điểm "tiên học lễ, hậu học văn" có còn phù hợp?

Bích Hà - Thiều Trang LDO | 24/11/2021 15:15

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TPHCM) cho rằng, cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Quan điểm này đang nhận những ý kiến trái chiều từ dư luận.

“Tiên học lễ hậu học văn” có đề cao sự phục tùng?

Giải thích về việc đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "tiên học lễ hậu học văn" trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, để có xã hội phát triển, cần phải có con người sáng tạo, để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động. Trong khi đó, xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ "lễ" - “tiên học lễ hậu học văn” - đề cao sự phục tùng.

Theo đó, quan hệ giữa “đức” và “tài”, giữa “lễ” và “văn” được đúc kết trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. 

"Trong giáo dục và đào tạo con người, “tài” đi liền với “đức”. Ở thời phong kiến, tiêu chí đánh giá “tài” là năng lực học thuộc lòng và giải thích Tứ thư Ngũ kinh; tiêu chí đánh giá “đức” là sự thấm nhuần và thể hiện tinh thần “trung - hiếu - tiết nghĩa”. Năng lực và tri thức (tài) về kinh điển Nho giáo nằm gọn trong một chữ "văn", phẩm chất (đức) “trung - hiếu - tiết nghĩa” nằm gọn trong một chữ "lễ".

Quan hệ giữa “đức” và “tài”, giữa “lễ” và “văn” được đúc kết trong câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Trọng lễ chính là một nguyên lý cơ bản trong triết lý giáo dục của thời phong kiến" - GS Thêm phân tích.

Phân tích thêm về ý nghĩa của câu "tiên học lễ hậu học văn", GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết, chữ "lễ" theo Hán Nho là phải biết giữ mình trong khuôn phép, biết phục tùng người trên. Trong đào tạo người thừa hành thì phương pháp giáo dục thích hợp là lấy thầy làm trung tâm, người thầy được đặt vào vị trí thứ hai (sau Vua) trong thang bậc “Quân - Sư - Phụ”.

"Như vậy, từ nguyên lý giáo dục đến phương pháp giáo dục thời phong kiến đều thống nhất phục vụ cho sứ mệnh giáo dục là đào tạo người thừa hành và mục tiêu giáo dục là cung cấp nguồn nhân lực để trị quốc an dân” - GS Trần Ngọc Thêm chia sẻ, đồng thời khẳng định, để xây dựng một xã hội phát triển và hội nhập, cần bắt đầu từ giáo dục và đào tạo. Để đổi mới giáo dục và đào tạo, cần có một giải pháp tổng thể nhưng không dàn trải mà có chìa khóa và chìa khóa phải là thay đổi triết lý giáo dục.

"Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo. Chừng nào còn đề cao chữ lễ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển" - GS Thêm nêu quan điểm.

Còn nhiều băn khoăn

Bày tỏ quan điểm về việc nên hay không chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "tiên học lễ hậu học văn", GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - cho rằng, khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" vẫn phù hợp. Bởi, "lễ" không chỉ là lễ phép, đó còn là đạo đức làm người, "văn" là học văn hóa. Trước hết phải học đạo đức làm người, sau đó mới đến học văn hóa. Bởi con người lấy đức làm gốc.

"Con người cần những khuôn phép nhất định, không đến mức gạt hết tất cả cá tính, bản sắc của mình để theo lễ giáo khô cứng, nhưng cần chuẩn mực đạo đức" - GS Thuyết nêu quan điểm.

Còn GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, giáo dục Việt Nam nên xem xét lại khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" vì có thể không còn phù hợp với giai đoạn hiện đại.

"Triết lý trên xuất phát từ tinh thần Nho giáo. Nhưng hiện nay, sự phát triển giáo dục đã bước sang giai đoạn mới, có nhiều vấn đề mới và có thể phù hợp với nhiều triết lý mới" - GS Dong nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn