MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thế Trung là quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19. Ảnh: Bích Hà

Quán quân Olympia duy nhất không đi du học và niềm đam mê với cờ shogi

HOÀI ANH LDO | 02/02/2023 06:35
Thế Trung chọn ở lại Việt Nam học tập và tập trung cho niềm đam mê với cờ shogi sau khi vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19. 

Năm 2019, cái tên Trần Thế Trung được vang lên tại trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia với danh hiệu quán quân. Thế nhưng, khác với tất cả những nhà vô địch trước đó, Thế Trung quyết định ở lại Việt Nam học tập, thay vì đi du học. Hiện tại, em là sinh viên chuyên ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại trường Đại học RMIT Việt Nam (cơ sở Hà Nội). 

Nam sinh cho hay, em tốt nghiệp THPT vào năm 2020 nhưng không thể đi du học Australia do đại dịch COVID-19. Sau đó, em có khoảng thời gian học online theo chương trình học của trường Swinburne, Australia. “Khi cảm thấy bản thân không phù hợp với chương trình học, em quyết định dừng lại. Em may mắn vì nhận được ủng hộ từ gia đình cũng như bạn bè về quyết định của mình” - Thế Trung nói. 

Suốt 4 năm kể từ thời điểm đăng quang tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia, Thế Trung cho biết đã trải nghiệm cuộc sống ở vị trí khá đặc biệt - được nhiều người biết đến. Đây cũng là cơ hội giúp em thay đổi về suy nghĩ, cởi mở hơn khi được gặp gỡ và làm quen với nhiều người. 

“Em hài lòng với cuộc sống và không nuối tiếc với quyết định không đi du học Australia. Em cũng hy vọng mọi người luôn tôn trọng quyết định này và cũng như ủng hộ sự lựa chọn của các quán quân Olympia khác” - Thế Trung chia sẻ. 

  Thế Trung hiện là sinh viên Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài học tập trên trường, Thế Trung còn dành nhiều tâm huyết cho cương vị Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Shogi Việt Nam với hơn 30 thành viên chính thức và 400 người tham gia trong nhóm cộng đồng. 

Thế Trung cho biết, shogi (hay còn gọi là cờ tướng Nhật Bản) là môn cờ truyền thống, được coi là “quốc hồn, quốc túy”  tại Nhật Bản. Nam sinh biết đến với shogi từ năm lớp 6, khi đang tò mò tìm đọc một số bài viết về các loại cờ trên Wikipedia. Để tập tành chơi shogi, em tự tay làm những bộ cờ bằng bìa và rủ bạn chơi cùng.

“Từ nhỏ em đã được ông nội và bố dạy chơi cờ vua và cờ tướng, nhưng shogi có lẽ là bộ môn thú vị nhất em từng tiếp xúc qua. Luật chơi shogi có những điểm độc đáo và phức tạp - đặc biệt là nước thả quân. Khi chơi shogi,  quân cờ không bị “chết” mà sẽ trở thành quân của bên bắt và có thể được thả trở lại bàn cờ. Điều này khiến cho nhịp độ trò chơi trở nên nhanh và khó kiểm soát hơn các môn cờ thông thường” – nam sinh chia sẻ. 

Em cũng đặc biệt thích tính nghi thức của bộ môn shogi. Cụ thể, khi bắt đầu ván cờ, hai kỳ thủ phải cúi chào nhau. Khi một bên bị chiếu hết, họ phải cúi đầu nhận thua thì ván cờ mới kết thúc. Những nghi thức này thể hiện sự tôn trọng tuyệt đối với đối thủ của mình.

Đến năm lớp 8, em được bố mẹ tặng bộ shogi đầu tiên và lên lớp 12 thì em đã tự mua cho bản thân một bộ shogi cỡ tiêu chuẩn. Shogi cũng giúp em rèn luyện trí tuệ, đặc biệt là khả năng tư duy, giải quyết vấn đề và rèn luyện sự bình tĩnh. 

Năm 2020, em từng giành chiến thắng trong giải Tourney-To Series mùa 4 (giải đấu giao lưu quốc tế do kỳ thủ người Ba Lan Karolina Fortin lập ra nhằm khích lệ cộng đồng người chơi shogi trên toàn thế giới) ở hạng mục Tourney to Jouzu (dành cho kỳ thủ dưới 5-kyu).

  Thế Trung (áo dài xanh) cùng các thành viên Câu lạc bộ Shogi Việt Nam. Ảnh: Vietnam Shogi Club

Hiện nay, Thế Trung vẫn đang trang trải học phí và sinh hoạt bằng tiền thưởng dành cho Quán quân Đường lên đỉnh Olympia trị giá 35.000 USD. Thời gian tới, em dự định sẽ hoàn thành bằng Cử nhân ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo, sau đó sẽ tìm kiếm công việc liên quan đến thiết kế đồ hoạ tại Việt Nam. 

Còn với shogi, em mong muốn biến bộ môn này trở thành dự án khởi nghiệp của mình. Hiện hệ thống thi đấu chuyên nghiệp bộ môn này mới chỉ có tại Nhật Bản nên Thế Trung cùng các thành viên khác trong Câu lạc bộ Shogi Việt Nam đang bước đầu xây dựng hệ thống thi đấu bán chuyên với hai giải đấu xếp hạng tại Việt Nam. 

“Mong muốn lớn nhất của em vẫn là đưa shogi Việt Nam lên thành môn thể thao chuyên nghiệp, được nhiều người biết đến” – nam sinh chia sẻ. 

Thế Trung cũng đang học tiếng Nhật với mong muốn giao tiếp được với các kỳ thủ người Nhật để học hỏi thêm kinh nghiệm, cũng như biên dịch tài liệu shogi ra tiếng Việt. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn