MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - Trưởng nhóm xây dựng chuẩn Hiệu trưởng phổ thông. Ảnh: HN

Quản trị tại các trường học vốn nặng về bao cấp, thiên về chấp hành

HUYÊN NGUYỄN LDO | 07/02/2018 11:00

Quản trị nhà trường lâu nay vẫn nặng về bao cấp, thiên về chấp hành các mệnh lệnh từ cấp trên chỉ đạo xuống và rất ít sự sáng tạo, chủ động, chính vì thế, chuẩn hiệu trưởng sẽ thúc đẩy quản lý của người đứng đầu nhà trường, giúp trường học phát triển tốt hơn, đại diện Bộ GDĐT cho hay.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục; Trưởng nhóm xây dựng chuẩn Hiệu trưởng phổ thông cho biết: Trước đây, Bộ GDĐT đã quy định chuẩn hiệu trưởng qua các Thông tư 29 (năm 2009) về chuẩn hiệu trưởng trường trung học và Thông tư 14 (năm 2010) về chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học. Như vậy, 2 thông tư này đã thực hiện cách đây đã 7 - 8 năm.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền đánh giá: Về quản trị nhà trường lâu nay vẫn nặng về bao cấp, thiên về chấp hành các mệnh lệnh từ cấp trên chỉ đạo xuống và rất ít sự sáng tạo, chủ động. Trong bối cảnh mới về tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình thì các trường được tăng tính tự chủ hơn. Đặc biệt là để thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của học sinh.  Vì thế, nhu cầu thay đổi là tất yếu.

Dự thảo chuẩn hiệu trưởng lần này có rất nhiều thay đổi theo hướng làm thay đổi hoàn toàn năng lực quản lý vốn nặng về hành chính của hiệu trưởng trước đây sang yêu cầu phải tạo một môi trường động lực để học sinh, giáo viên và tất cả mọi hoạt động trong nhà trường phải giúp phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh một cách tốt nhất. Đó là tư tưởng chủ đạo của chuẩn hiệu trưởng lần này.

Xây dựng chuẩn hiệu trưởng sẽ giúp hiệu trưởng các đơn vị có thể quản lý nhà trường tốt hơn và kết quả học tập của học sinh tốt hơn. Hướng hiệu trưởng tới việc lãnh đạo nhà trường dân chủ, công bằng và có trách nhiệm hơn; tạo ra người lãnh đạo quanh mình chứ không phải mình là một người lãnh đạo duy nhất trong nhà trường. Chuẩn hiệu trưởng lần này cũng đòi hỏi hiệu trưởng phải có hoạt động để tạo ra một nhà trường thành công. Điều này thể hiện qua người học.

“Cứ xây được một ngôi trường to, đầy đủ tiện nghi nhưng rất ít học sinh thì không phải là một ngôi trường thành công. Trường học thành công không tập trung vào hình thức bề ngoài mà phải chú trọng đến phương tiện cơ sở vật chất để thực hiện hoạt động dạy và học, giáo dục có chất lượng. Tất cả phương pháp dạy học, chia sẻ kinh nghiệm, quan hệ với cộng đồng, chia sẻ vai trò lãnh đạo, phát triển năng lực giáo viên thường xuyên liên tục trong nhà trường... sẽ tạo ra một nhà trường thành công mà hiệu trưởng phải kiến tạo được. Hiệu trưởng như 1 người thủ lĩnh, đứng đầu dẫn dắt cả một tổ chức. Với tiếp cận như vậy thì xây dựng chuẩn hiệu trưởng theo tiếp cận năng lực, phát triển nguồn nhân lực”, bà Huyền cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn