MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quảng Nam thiếu hơn 2.000 giáo viên trước thềm năm học mới

Hoàng Bin LDO | 06/08/2023 14:30

Sắp bước vào năm học mới 2023 - 2024, ngành giáo dục Quảng Nam lại đau đầu trước tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng, nhất là các trường miền núi.

Cán bộ, giáo viên nghỉ việc ngày nhiều

Tính đến hết tháng 5.2023, tỉnh Quảng Nam có 14.897 giáo viên, trong khi nhu cầu năm học 2023 - 2024 là 17.099 giáo viên, còn thiếu 2.202 giáo viên.

Trao đổi với báo Lao Động, ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Nam - cho biết, tình trạng thiếu giáo viên đã xảy ra nhiều năm nay, vì thực tế nguồn tuyển dụng không đủ. Ngoài ra, tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở một số bộ môn, một số đơn vị vẫn còn xảy ra.

Khó khăn lớn nhất là thu hút đội ngũ giáo viên lên công tác tại các cơ sở giáo dục thuộc các huyện miền núi. Đặc biệt, với hai môn Tin học và Ngoại ngữ, khi tuyển dụng chỉ nhận được rất ít hồ sơ, vì 2 bộ môn này có nhiều cơ hội việc làm ở vùng thuận lợi hơn.

Những năm qua, Quảng Nam luôn trong tình trạng thiếu nhiều giáo viên, nhất là khu vực miền núi. Ảnh Hoàng Bin

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) hồi đầu năm 2023, trong 3 năm từ năm 2020 đến năm 2022, tổng số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc là 200 người.

Nếu năm 2020, 2021, số người nghỉ việc lần lượt là 41 và 39 người thì năm 2022, số này là 120 người. Giáo viên cấp mầm non nghỉ nhiều nhất với 88 người, tiểu học 67 người, THCS là 33 người và cấp THPT là 12 người.

Điều kiện học tập, giảng dạy tại địa bàn miền núi Quảng Nam còn khó khăn so với mặt bằng chung. Ảnh: Hoàng Bin

Lý giải nguyên nhân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho hay, do địa bàn tỉnh rộng, nhiều huyện miền núi, nhiều giáo viên do điều kiện công tác xa nhà, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ việc để tìm công việc thuận lợi hơn, một số đã trúng tuyển viên chức ở địa phương khác.

Ngoài ra, nguyên nhân chính dẫn đến nhiều giáo viên nghỉ việc là do mức lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Một số khác do mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình thay đổi nơi sinh sống, ảnh hưởng của COVID-19.

Cần có cơ chế đãi ngộ tốt để thu hút giáo viên

Báo cáo của Sở Nội vụ Quảng Nam về thực trạng công tác tuyển dụng viên chức ngành giáo dục những năm gần đây cho thấy, việc thu hút sinh viên đăng ký dự tuyển về địa bàn miền núi gặp nhiều khó khăn. Qua các năm từ 2019-2022, tỉ lệ trúng tuyển viên chức chỉ đạt 51,7%.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GĐĐT Quảng Nam - cho hay: “Giải pháp trước mắt là các trường phân công giáo viên cho hợp lý, tăng thêm giờ dạy. Sở cũng cho phép tuyển dụng giáo viên hợp đồng để đảm bảo giảng dạy trước thềm năm học 2023 - 2024”.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Nam đã hủy kết quả trúng tuyển của gần 50 thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục. Ảnh chụp màn hình

Lý giải nguyên nhân nhiều trường hợp giáo viên trúng tuyển nhưng không hoàn chỉnh hồ sơ, không đến nhận việc, lãnh đạo ngành Giáo dục Quảng Nam cho rằng, tỉnh sẽ cố gắng thi tuyển 1 lần vì trước đây, các địa phương thi tuyển nhiều đợt, nên thí sinh trúng tuyển đồng bằng thì bỏ miền núi. Về lâu dài, tỉnh sẽ có cơ chế chính sách để ổn định đội ngũ giáo viên miền núi.

Theo một cựu giáo viên, nhiều giáo viên bây giờ không muốn vào làm trường công vì chế độ chính sách cho giáo viên quá thấp. Phần lớn giáo viên tự mở lớp giảng ở nhà với nguồn thu nhập cao hơn khoảng gấp 2 - 3 lần so với lương công chức.

Quảng Nam đang áp dụng chính sách tuyển dụng, thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm xuất sắc để nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành Giáo dục. Ảnh: Hoàng Bin

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đề xuất cần quan tâm đến chính sách tiền lương với những người công tác trong lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo viên, cán bộ quản lý nói riêng để đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Chính sách cần chú ý đến giáo viên, cán bộ quản lý công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Với giáo viên mới vào nghề, giáo viên hợp đồng, cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo thu nhập không thấp hơn lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, cần có cơ chế đặc thù để ưu tiên trong tuyển dụng với người địa phương nhằm ổn định đội ngũ lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn