MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh học nhóm tại ký túc xá nhà trường. Ảnh: Đoàn Hưng

Quảng Ninh tiếp tục hỗ trợ trên 31,3 tỉ đồng/năm cho học sinh vùng sâu

Đoàn Hưng LDO | 04/11/2023 11:58

Nghị quyết 22/2023/NQ-HĐND (Nghị quyết 22) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 10.11.2023 vừa được HĐND tỉnh Quảng Ninh ban hành. Theo đó, Quảng Ninh sẽ tiếp tục hỗ trợ trên 31,3 tỉ đồng/năm cho học sinh vùng sâu, vùng xa.

Là một trường nằm ở vùng núi còn nhiều khó khăn, trường Tiểu học Vô Ngại, huyện Bình Liêu có 442 học sinh. Trong đó, có 72 học sinh sẽ được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 22 gồm: 57 học sinh bán trú tuần (học bán trú từ thứ 2 đến thứ 6) và 15 học sinh bán trú ngày (bán trú buổi trưa các ngày). Các em ở các thôn cách trường tối thiểu hơn 7km như: Mạ Chạt, Khủi Luông, Nà Mo.

Anh Loan Văn Vì (37 tuổi, thôn Bản Làng, xã Vô Ngại) phấn khởi chia sẻ: “Tôi có con học lớp 5 tại trường, từ nhà đến trường cách nhau gần 8 km. Công việc chính của tôi là làm rừng, cũng đã tính đến chuyện đưa đón các cháu ngày 4 lần, nhưng gia đình chưa bố trí được thời gian. Giờ được tỉnh hỗ trợ tiền ăn cho cháu học bán trú nên gia đình rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất”.

Một bữa cơm từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh trong năm học 2022-2023 tại Trường Tiểu học Vô Ngại, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng

Nghị quyết 22 về việc tiếp tục thực hiện chính sách đặc thù của tỉnh quy định tại Nghị quyết số 204 (ngày 30.7.2019) và số 248 (ngày 31.3.2020) của HĐND tỉnh cho đối tượng ở các xã ra khỏi vùng khó khăn và các xã, thôn ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 15 ngày 31.10.2023.

Thầy giáo Lương Dư Phúc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vô Ngại - cho rằng: “Bước vào năm học 2023 -2024 thì Nghị quyết 204, 248 hết hiệu lực, nhà trường đã vận động phụ huynh đóng góp tiền ăn cho các con. Điều này khiến nhiều gia đình loay hoay khi cho con em đi học. Giờ tỉnh ban hành Nghị quyết 22, tiếp tục hỗ trợ tiền ăn, mỗi học sinh bán trú đỡ đi khoản chi phí là 740.000 đồng/tháng, nếu gia đình đông con thì là sự hỗ trợ đáng kể”.

Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, cho biết: “Theo Nghị quyết này, Bình Liêu có hơn 3.000 lượt đối tượng được thụ hưởng. Hỗ trợ học sinh ở thôn, bản xa về học tại điểm trường chính cũng sẽ góp phần hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, quy mô huy động học sinh ra lớp cũng tăng lên”.

Nghị quyết 22 gồm 8 chính sách: Hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mầm non; hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ em mầm non; hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non; hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; hỗ trợ kinh phí chăm sóc học sinh bán trú; hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho học sinh đang học tại cơ sở giáo dục tư thục; hỗ trợ học sinh năng khiếu thể thao; hỗ trợ cho học viên giáo dục thường xuyên.

Ký túc xá cho các học sinh ở nội trú Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Đoàn Hưng

Qua rà soát, có khoảng trên 13.600 trẻ mầm non và học sinh phổ thông ở 113 thôn, thuộc 31 xã của 7 địa phương cấp huyện, có địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn tiếp tục được hưởng các chính sách đặc thù của tỉnh Quảng Ninh về hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ kinh phí chăm sóc học sinh bán trú và một số chính sách khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn