MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một buổi lễ trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Ảnh minh họa: Ng.Ngân

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới từ góc nhìn thực tế hiện nay

Nghiên cứu sinh Cù Văn Trung LDO | 23/07/2021 12:59

Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới ban hành kèm theo Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT (gọi tắt là Quy chế 18) vẫn đang nhận được những ý kiến trái chiều của các chuyên gia, nhà khoa học. Nhiều giáo sư cho rằng, yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật" và cho rằng quy chế tiến sĩ mới đã "hạ chuẩn" tiến sĩ.

Nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học tranh luận với nhau một cách minh bạch, công khai, hướng đến mục tiêu vì một nền giáo dục thực chất, hôm nay, Báo Lao Động giới thiệu đến bạn đọc bài viết của tác giả Cù Văn Trung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo giáo dục.

Dưới góc nhìn của một người đang là nghiên cứu sinh, chịu sự "giao thoa" giữa hai quy chế đào tạo tiến sĩ cũ và mới, tác giả Cù Văn Trung đã chỉ ra thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam và đưa ra những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong tương lai:

Yêu cầu bài báo quốc tế vẫn dễ hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ

Nhiều nhà khoa học có tên tuổi đã lên tiếng về Quy chế đào tạo tiến sĩ (Thông tư 18) mới của Việt Nam. Với tư cách là những giảng sư, các thầy lo ngại về một thực trạng đào tạo tiến sĩ kém chất lượng trong tương lai. Tuy nhiên, chính trên góc độ của những người thầy, những người có trách nhiệm với nền học thuật nước nhà thì những khoảng trống, khoảng tối của nghiên cứu sinh chưa hẳn các thầy đã nhìn ra.

Có một thực tế mà tôi sẽ chỉ ra cho các giáo sư, những nhà khoa học đang trăn trở với nền học thuật ở bậc cao của nước nhà rằng: Dù quy chế cũ 2017 hay quy chế mới 2021 cũng không cản trở một lượng lớn nghiên cứu sinh sẽ tham gia ứng tuyển đầu vào trong vòng 2 năm nữa.

Mấy năm nay, các cơ sở đào tạo thiếu người học, khó tuyển sinh theo quan điểm của tôi không phải do bài báo quốc tế mà là vấn đề đầu vào và đầu ra ngoại ngữ của nghiên cứu sinh. Theo tôi, Quy chế cũ (2017) yêu cầu về ngoại ngữ chỉ làm chậm “một bước” trong tiến trình đào tạo tiến sĩ của nền giáo dục quốc dân mà thôi.

Có thể thấy rằng, những năm gần đây, đa phần nghiên cứu sinh thuộc thế hệ 7x; 8x rất ít 9x. Những người này họ có nhu cầu đi học cao; do yêu cầu công việc giảng dạy, vị trí công tác, khả năng tài chính, đam mê nghiên cứu… Trước đây, có lẽ vì ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta nên phần đông họ không giỏi ngoại ngữ.

Như chúng ra đã biết, việc thi lấy chứng chỉ quốc tế IELT, TOEFL, TOEIC của các tổ chức như: Cambridge; Viện Khảo thí Quốc tế Hoa Kì (IIG), Hội đồng Anh…, họ làm rất nghiêm túc, chặt chẽ và thực chất. Vì thế, nhiều nghiên cứu sinh thuộc quy định của Quy chế cũ (2017) thường “né” tiêu chí này để học văn bằng 2 tiếng Anh. Nhiều cơ sở đào tạo ngoại ngữ văn bằng 2 tiếng Anh lại là “điểm hẹn” của nhiều người đang và sẽ là nghiên cứu sinh.

Thành thật mà nói, yêu cầu về bài báo quốc tế nghe thì là khó nhưng cũng vẫn dễ hơn rất nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ. Hiện nay, trên mạng xuất hiện nhiều website tư vấn, hỗ trợ và mà thực chất là viết thuê các bài báo. Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm Google để gõ cụm từ “Hỗ trợ viết bài báo quốc tế”, điểm qua, tôi đã thấy có 5 website hiện lên” (1; 2; 3; 4; 5). Việc dịch thuật ra tiếng nước ngoài để đăng cũng nằm gói gọn trong số tiền được thuê. Vì vậy, nếu chỉ cần có bài báo quốc tế ở mức xuất bản được thì cũng không cản trở lắm đối với các nghiên cứu sinh.

4 giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ

Dưới góc nhìn thực tiễn của một người hoạt động về lĩnh vực giáo dục, tôi kiến nghị 4 vấn đề như sau:

Thứ nhất, bỏ hẳn quy định đầu vào và đầu ra trong đào tạo tiến sĩ là có bằng đại học tiếng nước ngoài do một cơ sở đào tạo ở Việt Nam cấp (mục b, khoản 2, điều 7 của Thông tư 18/2021). Thay vì học tiến sĩ 4 năm như trước thì bây giờ họ xác định học 6 năm (thậm chí lâu hơn) vì phải mất thêm 2 năm học văn bằng 2 ngoại ngữ. Có như vậy, nghiên cứu sinh mới không bị phân tán thời gian, nguồn lực, công sức vì tiêu chí thứ yếu này.

Thứ hai, quy định về bài báo quốc tế thì chỉ rõ các tạp chí cho từng ngành, từng lĩnh vực. Rà soát liệt kê danh mục cụ thể cho từng khối ngành để nghiên cứu sinh căn cứ vào đó để đăng. Nếu không như vậy thì GS.TS Vũ Minh Giang (Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra thực tế “Hiện tượng này khá phổ biến (thường thấy ở một số trường đại học nhỏ ở địa phương), tác giả tìm đến những tạp chí ISI/SCOPUS nhưng ít được biết đến, chỉ cần đáp ứng yêu cầu nộp 1.000-2.000 USD và được chấp nhận in rất nhanh. Nhiều khi tạp chí chẳng liên quan gì đến chuyên môn. Tệ hơn là bắt đầu hình thành một số trung tâm viết bài quốc tế thuê mà thực chất là được ghép tên vào một tập thể nào đó sau khi phải trả một khoản phí”.

Thứ ba, tuyệt đối không quy định đầu vào học nghiên cứu sinh dễ, đầu ra thắt chặt (như một số nhà khoa học đề xuất), bậc học này rất vất vả và mất nhiều thời gian cho cả trò và thầy. Đầu vào và đầu ra quy định như nhau để ai muốn tham gia vào tiến sĩ thì phải xác định luôn tư tưởng cho mình. Tôi đã gặp rất nhiều nghiên cứu sinh theo 2-3 năm rồi bỏ dở, những khó khăn trong việc thực hiện đề tài, thời gian theo đuổi công trình, vướng về ngoại ngữ đầu ra, tài chính eo hẹp để thực hiện mục tiêu, bố trí công việc cơ quan (xin công văn đi học) và sắp xếp chăm nom gia đình. Không thể để đến lúc “bỏ thì thương, vương thì tội; dở đi mắc núi dở lại mặc sông”. Điều đó rất tội cho nghiên cứu sinh chúng tôi.

Cuối cùng, siết chặt công tác đào tạo từ khâu lựa chọn tên đề tài nghiên cứu, hội đồng đánh giá, phân công giảng sư hướng dẫn và các vấn đề liên quan khác mới là quan trọng. Không thể có tên đề tài và nội dung lại như một khóa luận tốt nghiệp đại học được. Và tầm của nghiên cứu sinh cũng phải thể hiện qua nghiên cứu trong luận án ở trình cao hơn nhiều lần tại bậc học thạc sĩ. Những cái này đòi hỏi nhà trường, chủ tịch hội đồng, giáo viên hướng dẫn và cả nghiên cứu sinh nghiêm túc, nghiêm cẩn vì một nền học thuật tiến bộ của nước nhà.

Trên đây là những quan điểm của tôi, chúng ta cần nhìn cả bối cảnh tổng thể, cả trên, cả dưới và cả những đường đi, góc khuất đang định hình trong tư duy của nhiều nghiên cứu sinh tương lai. Nếu những chính sách chỉ được nhìn từ các nhà quản lý, các giảng sư mà không trực tiếp từ những người đang là nghiên cứu sinh cũng như không thấy tính đối phó, chống chế của người học ở ta thì quy chế nào rồi cũng có điểm lách.

Tóm lại, các nhà khoa học đang bàn quá nhiều về vấn đề bài báo quốc tế nhưng điều đó không phải là tất cả. Hiện thực cuộc sống phong phú và muôn màu hơn nhiều, thực tế đang có những “cơn sóng ngầm” chờ trực quay lại, những người đã, đang và sẽ là nghiên cứu sinh chỉ còn chờ tấm bằng tốt nghiệp ngoại ngữ thứ 2 trên tay mà thôi. Lúc đó thì quy chế mới và quy chế cũ cũng không có nhiều khác biệt. Vì thế như ban đầu tôi đề cập, hai năm nữa, nghiên cứu sinh ở ta lại “tựu trường đông đủ” là như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn