MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Văn Cuông – Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: LDO.

Quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không phù hợp thì phải sửa đổi

Trần Kiều LDO | 12/03/2021 12:49

Theo ông Lê Văn Cuông – Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, nếu quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đối với viên chức không phù hợp, gây khó thì phải sửa đổi chứ không cứng nhắc.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao xung quanh việc giáo viên các trường công lập (mần non, tiểu học, THCS, THPT) phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp mới được thăng hạng, bổ nhiệm và hưởng lương theo ngạch bậc cao hơn.

Qua tìm hiểu thì yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không chỉ được áp dụng riêng cho đối tượng giáo viên mà viên chức tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải chịu quy định này.

Cụ thể, tại Điểm b Khoản 1 Điều 31 Luật Viên chức 2010 quy định, người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó; đồng thời, tại Điểm b Khoản 3 Điều 33 cũng quy định, viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Văn Cuông – Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho rằng, không nên qui định cứng nhắc tất cả các nghề phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Việc áp dụng loại chứng chỉ này chỉ nên áp dụng với một số nghề, lĩnh vực mang tính chất đặc thù, đòi hỏi một số tiêu chí nhất định.

“Luật quy định nếu không phù hợp thì phải sửa đổi chứ không cứng nhắc. Để phù hợp với cuộc sống, chuyện sửa luật là điều bình thường. Luật đề ra mà không phù hợp hoặc nhũng nhiễu quá thì không nên” – ông Lê Văn Cuông nói.

Ông Lê văn Cuông lấy ví dụ, trước đây Luật Xây dựng có nội dung quy định về việc cấp phép xây dựng, trong quá trình thực hiện gây khó khăn, phiền hà và không cần thiết cho người dân. Từ thực tế này, Quốc hội đã xem xét sửa đổi 10 điểm hạn chế, gây vướng mắc, bất cập của bộ luật cũ. Nhờ đó, khi Luật Xây dựng mới chính thức được áp dụng từ ngày 1.1.2021 đã nhận được rất nhiều sự tán thưởng của người dân.

Do đó, với yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, theo ông Cuông, cần phải xem xét có phù hợp với quá trình thực thi trong thực tế hay không. Nếu không phù hợp thì cần cắt giảm, tránh gây phiền hà không cần thiết.

Muốn đảm bảo chính xác và có tính thuyết phục của quy định luật thì phải rà soát, sắp xếp, tổng kết lại vấn đề đó trong thực tiễn ra sao. Mặt khác, tranh thủ ý kiến phản hồi từ dư luận cũng như ý kiến các nhà chuyên gia để trên cơ sở đó đưa ra quyết định giữ nguyên hay sửa đổi.

Ngoài ra, với quy định hiện nay, ông Cuông cho rằng việc mở ra các lớp bồi dưỡng lấy chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cũng cần phải xem xét lại. Căn cứ vào kinh nghiệm, kiến thức thì thực tế có những người không cần thiết phải tham gia vào lớp này. Bởi vậy, nếu nhất nhất đi học để lấy được chứng chỉ thì sẽ chỉ phát sinh thêm tình trạng "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" vừa lãng phí thời gian, tiền bạc, vừa không mang lại hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn