MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Quy định "sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học" đã có từ nhiều năm trước

Đặng Chung LDO | 31/10/2018 15:01
Từ năm 2007, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có quy định sinh viên bán dâm sẽ bị đuổi học. Nhưng qua các năm, các đời Bộ trưởng, quy định này có một số điều chỉnh về đối tượng và số lần vi phạm để đưa ra hình thức kỷ luật là buộc thôi học.

Số lần tăng theo các năm

Ngay sau khi nhận những góp ý và phản ứng của dư luận, Bộ GDĐT đã xin rút lại Dự thảo thông tư quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp (trong đó có quy định sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học).

Bộ GDĐT thừa nhận có sự nhầm lẫn do chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất để lấy ý kiến.

Trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã thừa nhận quy định trong dự thảo có nhiều điểm chưa hợp lý, nếu sai thì phải sửa, không cần đưa quy định “hoạt động mại dâm 4 lần bị đuổi học” vào thông tư.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy định này thực tế đã tồn tại trong các văn bản của Bộ GDĐT từ năm 2007. Nếu rút dự thảo mới thì vẫn còn trong các quy định cũ.

 
Quy định xử lý sinh viên vi phạm hoạt động mại dâm năm 2007. 

Cụ thể, tại Quyết định 42 năm 2007, ban hành quy chế học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ và Trung cấp chuyên nghiệp chính quy, phần phụ lục quy định rõ: Sinh viên bán dâm lần 1 bị đình chỉ 1 năm học tập, lần 2 bị đuổi học.

Đến năm 2016, dưới thời của Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận, Thông tư số 10 về quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy được ban hành, do Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa ký. Tại phần phụ lục của Thông tư số 10 cũng quy định một số nội dung vi phạm và hình thức kỷ luật.

Trong đó, về hoạt động mại dâm, số lần vi phạm để nhận hình thức kỷ luật đuổi học được tăng lên theo thứ tự: Lần 1 bị khiển trách, lần 2 cảnh cáo, lần 3 đình chỉ học có thời hạn, lần 4 bị buộc thôi học.

Quy định xử lý hoạt động mại dâm  tại Thông tư số 10/2016.

Ngoài ra, nếu Quyết định 42 năm 2007 bao quát đối tượng xử lý với tất cả sinh viên từ đại học, cao đẳng, đến trung cấp, thì Thông tư số 10/2016 lại “bỏ sót” đối tượng sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp.

Vì bất cập này, năm 2018, Bộ GDĐT đã đưa ra dự thảo quy chế học sinh sinh viên áp dụng với đối tượng sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm (các trường cao đẳng, trung cấp khác hiện do Bộ LĐTBXH quản lý theo phân cấp).

Nói cách khác, chế tài xử lý sinh viên bán dâm không mới. Dự thảo đang gây tranh cãi của Bộ GDĐT đã “kế thừa” nội dung từ các văn bản do Bộ GDĐT ban hành từ nhiều năm trước.

Quy định bất cập, ai chịu trách nhiệm?

Trong bài viết “Quy định sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ 4 mới bị đuổi học: Vừa trái luật, vừa xúc phạm sinh viên” đăng tải trên Lao Động ngày 30.10, chúng tôi đã trích dẫn ý kiến của Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), phân tích những điểm bất hợp lý trong quy định xử lý sinh viên bán dâm theo số lần.

Luật sư Ứng cho rằng cần truy rõ trách nhiệm. Bởi một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, nếu không khả thi, không thể đi vào thực tế sẽ gây lãng phí lớn.

Về vấn đề quy trách nhiệm này, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, có lẽ không nên yêu cầu Bộ trưởng phải biết tất cả các công việc của Bộ mình vì bên cạnh Bộ trưởng còn bộ máy giúp việc. Bộ trưởng có thể uỷ quyền cấp nào đó xem xét trước khi công bố.

Tất nhiên, trong ngành có vấn đề gì thì trách nhiệm cuối cùng là người đứng đầu, nhưng tuỳ theo tính chất công việc, theo phân công uỷ quyền của Bộ GDĐT.

Ông Phạm Tất Thắng cũng góp ý với Bộ GDĐT, khi dự thảo các quy định được công bố trên trang thông tin chính thức của Bộ GDĐT để lấy ý kiến thì phải được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác, để tránh gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn