MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam tại huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: Chân Phúc

Rủi ro từ chính sách hợp đồng vay vốn giữa phụ huynh và trường quốc tế

Chân Phúc LDO | 28/03/2024 10:07

Vụ việc xảy ra tại Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) trong những ngày vừa qua cho thấy, chính sách đóng học phí theo hình thức vay vốn hay hợp đồng đầu tư giáo dục giữa phụ huynh và nhà trường luôn có những rủi ro nhất định.

Cho trường vay vốn để con học không phải đóng học phí

Thời gian qua, Trường AISVN vướng lùm xùm tài chính. Nhiều phụ huynh đã kéo đến trước cổng trường, đề nghị trường thanh toán tiền theo hợp đồng hoàn vốn.

Những phụ huynh này cho biết, con họ từng học tại Trường AISVN, được đào tạo chính khóa và miễn học phí trong suốt thời gian học tại trường. Điều kiện là phụ huynh sẽ cho trường vay tiền, nhà trường sẽ hoàn trả số tiền vay kể từ khi học sinh học hết lớp 12 và hoàn tất thủ tục chấm dứt chương trình đào tạo chính khóa hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường AISVN.

Tuy nhiên, đến khi con kết thúc thời gian học tại trường đã lâu, phụ huynh vẫn chưa được hoàn trả tiền.

Đỉnh điểm, ngày 18.3, Trường AISVN thông báo, cho học sinh tạm nghỉ vì phần lớn giáo viên trường không đến trường giảng dạy. Nguyên nhân do trường gặp khó khăn về tài chính, không chi trả lương đầy đủ, đúng hạn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên. Đến ngày 19.3, Trường AISVN thông báo hoạt động lại nhưng theo phụ huynh, phần lớn học sinh đến trường được chia ra ngồi tự học, chơi ở căng tin, thư viện, sân bóng. Nhiều phụ huynh đưa con đến trường song phải quay lại đón con.

Theo mức học phí được công bố tại các trường quốc tế thường dao động 200 triệu đồng đến hơn 800 triệu đồng/năm học, tùy vào chương trình, cấp học.

Như vậy, có thể thấy trong trường hợp mọi chuyện suôn sẻ, phụ huynh và cả nhà trường đều hưởng lợi từ chính sách thu hút vốn này. Nhưng ngược lại, nếu trường mất cân bằng tài chính, thì học sinh, phụ huynh bị ảnh hưởng rất lớn.

Đơn cử vụ việc xảy ra tại Trường AISVN, phụ huynh có con đã tốt nghiệp thì mòn mỏi đòi nợ trường, còn phụ huynh đang có con theo học thì hoang mang không biết việc học của con sẽ như thế nào.

Một buổi họp giữa phụ huynh và Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam hồi tháng 10.2023 sau khi trường xảy ra lùm xùm về vấn đề tài chính.Ảnh: Chân Phúc

Rủi ro từ hợp đồng đầu tư giáo dục, vay vốn

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Khánh Nguyên - Diễn giả giáo dục độc lập - đánh giá, với gói đầu tư một lần được miễn phí hoặc giảm phí toàn bộ thời gian học tại trường có thể mang lại sự tiện lợi cho phụ huynh, phù hợp với những người có tiền nhàn rỗi và mong muốn đảm bảo chỗ học cho con lâu dài. Tuy nhiên, khi cho vay tiền chỉ dựa trên lòng tin (tín chấp) thì có thể có rủi ro khi trường phá sản, hoặc tệ hơn gặp phải tổ chức giáo dục lừa đảo.

"Khi trường học bị ngừng hoạt động vì bất cứ lý do gì, người đầu tiên bị ảnh hưởng là học sinh. Không phải chương trình nào hay cấp lớp nào cũng có thể chuyển ngang. Ví dụ chương trình IGCSE, A level và IB Diploma phổ biến trong trường quốc tế thường dạy theo đơn vị 2 năm liên tục thay vì một năm học như thông thường, do vậy đang học dở chương trình sẽ rất khó tìm được trường nhận vào. Thường các em phải bỏ dở chương trình đó, hoặc chấp nhận học lại chương trình đó từ đầu" - ông Nguyên phân tích.

Ông Bùi Khánh Nguyên cho rằng, nên tách bạch quan hệ tín dụng với việc đóng học phí và quy định rõ trường học có chức năng huy động vốn, phát hành trái phiếu, phát hành các gói đầu tư giáo dục hay không.

"Chức năng của trường học xưa nay là dạy học và được thu học phí, thông thường không quá 1 năm học. Ngay cả nếu trường phải dừng việc giảng dạy trong năm học thì vẫn có nghĩa vụ phải hoàn lại phần học phí chưa sử dụng tới cho phụ huynh" - ông Nguyên nói.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM - cho biết, về quy định thu học phí, tại Nghị định 81 quy định rất rõ, học phí phải được thu định kỳ hằng tháng. Nếu người học tự nguyện, nhà trường có thể thu một lần cho cả học kỳ hoặc cả năm học. Những quy định về thu học phí như trên đã được sở có văn bản hướng dẫn gửi đến các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập trên địa bàn từ đầu năm học.

"Giữa phụ huynh và nhà trường có những dạng hợp đồng như "hợp đồng đồng hành", hay "hợp đồng có hoàn lại" hiện sở đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng hướng dẫn phụ huynh thực hiện quyền của mình tại tòa theo Luật Dân sự" - bà Châu cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn