MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nếu không chỉnh sửa để thẩm định lại, sách "Công nghệ giáo dục" sẽ không thể đưa vào giảng dạy trong các nhà trường.

Sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại: Chi tiết 13 tiêu chí thẩm định sách giáo khoa

Đặng Chung LDO | 14/09/2019 19:10

Bản thảo sách Toán và Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại vừa bị đánh giá "không đạt" ngay ở vòng thẩm định đầu tiên. 

Theo các thành viên trong Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, việc đánh giá sách giáo khoa dựa trên 4 tiêu chuẩn với 13 tiêu chí được quy định ở Điều 4, 5, 6, 7 và 8 Thông tư 33 năm 2017 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa sẽ đánh giá bản mẫu sách giáo khoa theo từng tiêu chí, với 3 loại: "đạt", "đạt nhưng cần sửa chữa" và "không đạt".

Hội đồng xếp loại "đạt nhưng cần sửa chữa" đối với sách được ít nhất 3/4 tổng số thành viên đánh giá "đạt" và "đạt nhưng cần sửa chữa". Các trường hợp còn lại đều bị cho là "không đạt".

Các tiêu chuẩn, tiêu chí để thẩm định sách giáo khoa cụ thể như sau:

Điều kiện tiên quyết của sách giáo khoa:

1. Nội dung và hình thức sách giáo khoa không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia về xuất bản phẩm.

2. Nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội.

Nội dung sách giáo khoa:

3. Nội dung sách giáo khoa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục; bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

4. Các thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa, số liệu, sự kiện, hình ảnh bảo đảm chính xác, khách quan, nhất quán và phù hợp với trình độ học sinh; các số liệu, sự kiện, hình ảnh có nguồn gốc rõ ràng.

5. Các thành tựu khoa học mới liên quan đến chương trình môn học, hoạt động giáo dục được cập nhật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phù hợp với mục tiêu của chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

6. Những nội dung giáo dục về chủ quyền quốc gia, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu được thể hiện hợp lý.

Phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong sách giáo khoa:

7. Các bài học trong sách giáo khoa tạo điều kiện cho giáo viên vận dụng sáng tạo phương pháp và hình thức tổ chức dạy học lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm; tạo cơ hội và khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của mỗi học sinh.

8. Các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh và yêu cầu về đánh giá kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học, hoạt động giáo dục, làm cơ sở cho việc đánh giá chính xác kết quả giáo dục.

Cấu trúc sách giáo khoa:

9. Cấu trúc sách giáo khoa có đủ các thành phần cơ bản sau: phần, chương hoặc chủ đề; bài học; giải thích thuật ngữ; mục lục.

10. Cấu trúc bài học trong sách giáo khoa bao gồm các thành phần cơ bản sau: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập, vận dụng.

Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa và hình thức trình bày sách giáo khoa:

11. Ngôn ngữ sử dụng trong sách giáo khoa là tiếng Việt (trừ sách giáo khoa ngoại ngữ và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số), bảo đảm các quy định về chính tả và ngữ pháp, các chữ viết tắt, các ký hiệu, phiên âm, đơn vị đo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; diễn đạt trong sáng, dễ hiểu, thể hiện chính xác nội dung cần trình bày, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

12. Hình thức trình bày sách giáo khoa cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, hệ thống ký hiệu, biểu tượng, kiểu chữ, cỡ chữ.

13. Tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ trong sách giáo khoa rõ ràng, chính xác, cập nhật, có tính thẩm mỹ, phù hợp với nội dung bài học, lứa tuổi học sinh và chỉ rõ nguồn trích dẫn.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành với chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”. Tất cả tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được hội đồng quốc gia thẩm định.

Căn cứ kết luận và đề xuất của hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng GDĐT sẽ phê duyệt danh mục sách giáo khoa (theo chương trình giáo dục phổ thông mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn sách giáo khoa phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn