MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sách giáo khoa mới được áp dụng đã tạo hiệu ứng hai chiều từ phụ huynh và học sinh. Ảnh minh họa: Bích Ngọc

Sách giáo khoa mới và hiệu ứng 2 chiều

VÂN HI LDO | 11/08/2023 12:36

Năm học mới sắp bắt đầu, việc không thể tái sử dụng sách giáo khoa cũ đã gây khó khăn đối với gia đình có kinh tế eo hẹp khiến nhiều người tiếc nuối lo lãng phí. Bên cạnh đó, việc thay đổi sách giáo khoa cũng mang đến những thay đổi tích cực, đem đến làn gió mới cho học sinh.

Tiếc nuối vì lãng phí

Nhìn bộ sách giáo khoa vừa mua cho con năm học trước vẫn còn rất mới, nay lại không thể cho ai, bà Ngô Thị Hằng (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) không khỏi tiếc nuối vì đó là số tiền gần 2 tháng đan lát lục bình của bà.

Được biết, bà Hằng có 4 người con, một em lớn đang vào đại học, 2 em đang sắp vào lớp 9 và một em sắp vào lớp 5.

"Mỗi năm sách vở đều là chị lớn học rồi để lại cho em kế. Năm rồi xin của người ta không có nên mua cho 2 đứa lớp 8 bộ sách mới hết 600.000 đồng, năm nay thay đổi sách giáo khoa lớp 8 thì đứa em út không thể sử dụng lại nữa" - bà Hằng nói.

Tiếc nuối vì số tiền bỏ ra mua sách cho con là số tiền lớn đối với gia đình nhưng bà Hằng cũng không thể làm gì khác. "Để có tiền mua sách cho con, tôi đã phải thức đêm đan lục bình gần 2 tháng. Nhìn bộ sách còn rất mới nhưng đứa em út không thể học được, tôi tiếc lắm. Nhưng đã là quy định thì mình chịu thôi" - bà Hằng nói.

Xếp gọn bộ sách giáo khoa cũ cất vào một góc tủ, chị Phạm Huỳnh My (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) tiếc nuối vì không thể cho ai. "Con tôi năm nay vào lớp 9, sách giáo khoa lớp 8 năm nay mới thay đổi, do đó có đem đi tặng các em có hoàn cảnh khó khăn cũng không được" - chị My nói.

Làn gió mới cho học sinh

Theo chị My, mặc dù thay đổi sách giáo khoa đã vô tình gây lãng phí và gây khó khăn đối với những người có thu nhập thấp. Nhưng kể từ khi áp dụng sách giáo khoa mới, con trai chị có hứng thú học tập hơn.

"Hiện nay, trên thị trường có 3 bộ sách, con tôi sẽ được đăng kí với nhà trường mua bộ nào. Đa dạng về hình thức nên con tôi cũng có hứng thú học tập hơn" - chị My nói.

Áp dụng sách giáo khoa mới giúp học sinh thích thú học tập hơn. Ảnh minh họa: Bích Ngọc

Chị Trương Thị Yến Nhi (29 tuổi, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) cho biết: "Nếu như thế hệ của tôi, học sinh ít có hứng thú học tập vì học cùng một nội dung, chương trình thì nay con tôi có được nhiều sự lựa chọn theo ý thích, phù hợp với mong muốn của bản thân hơn".

"Việc khơi dậy sự thích thú trong học tập với học sinh là rất cần thiết. Khi các em có hứng thú thì sẽ chủ động tìm tòi, học hỏi qua đó cũng nâng cao kết quả học tập của các em hơn" - cô Ngọc Dung - giáo viên công tác tại thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang - cho biết.

Theo người giáo viên này, kể từ khi áp dụng lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đã mang đến làn gió mới cho các em học sinh. Tuy nhiên, vẫn cần sự nhất quán, duy trì một bộ sách ổn định ở mỗi địa phương để các em học sinh có thể tái sử dụng, tránh lãng phí.

Theo lộ trình Chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2023 - 2024 sẽ sử dụng sách giáo khoa mới đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn