MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học online, thi online và nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá khác đang được các trường linh loạt thực hiện. Ảnh: Hải Nguyễn

Sáng tạo các hình thức dạy học, kiểm tra trong điều kiện dịch bệnh

Đặng Chung LDO | 05/05/2021 08:37

Gần 20 triệu học sinh trên cả nước đã chính thức trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ, cùng với đó cũng có khoảng 3 triệu học sinh của 7 tỉnh, thành chưa thể đến trường do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chủ động kích hoạt trạng thái dạy, học mới

Theo ghi nhận của Lao Động, ngày 5.5, ngoài 7 địa phương là Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Yên Bái, Quảng Nam, Đà Nẵng cho học sinh tạm dừng đến trường vì đang có ca mắc COVID-19 mới, thì các địa phương còn lại đều cho học sinh THCS và THPT trở lại trường sau kỳ nghỉ lễ theo đúng kế hoạch.

Để đảm bảo an toàn, nhiều nơi áp dụng việc khai báo y tế bắt buộc với học sinh và giáo viên. Các công việc như dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn phòng học, trang bị nhiều vật dụng như khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt đã được các cơ sở giáo dục chuẩn bị để đón học sinh trở lại trường.

Với những địa phương học sinh chưa thể đến trường sau kỳ nghỉ, tinh thần “tạm dừng đến trường không dừng việc học” vẫn được duy trì. Các trường đã chủ động chuyển sang trạng thái dạy học mới, tiến hành dạy học trực tuyến để thực hiện mục tiêu “kép” - vừa hoàn thành kế hoạch năm học, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trước dịch bệnh.

Theo khung kế hoạch năm học 2020-2021 cho các bậc giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên do Bộ GDĐT ban hành, các cơ sở giáo dục sẽ kết thúc năm học trước ngày 31.5.2021.

So với năm học trước, nhờ việc thực hiện tinh giản chương trình của Bộ GDĐT, học sinh THCS, THPT được giảm 2 tuần thực học, để tập trung thời gian cho việc ôn tập, chuẩn bị kiến thức cho các kỳ thi chuyển cấp.

Ngoài ra, nhờ việc chủ động đẩy mạnh dạy học trực tuyến, nên đến thời điểm này, toàn ngành giáo dục vẫn đang đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch năm học 2020-2021, dù thời điểm sau Tết Nguyên đán 2021, học sinh đã phải nghỉ học 1 tháng vì dịch bùng phát trở lại. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) khẳng định, hiện chưa cần lùi thời gian kết thúc năm học.

Trong trường hợp học sinh không thể đến trường để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 thì các cơ sở giáo dục chủ động thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh, đảm bảo hoàn thành chương trình và kết thúc thời gian học theo khung chương trình của Bộ GDĐT.

Linh hoạt tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh

Hiện còn gần 1 tháng nữa là đến thời điểm kết thúc năm học, đúng thời gian các trường đang rục rịch tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ II cho học sinh. Nỗi lo nhất hiện này là nên tổ chức hình thức kiểm tra, đánh giá thế nào để đảm bảo chất lượng, phản ánh đúng năng lực học sinh, trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp?

Tại Đà Nẵng, trước việc học sinh dừng đến trường, Sở GDĐT TP.Đà Nẵng đã linh hoạt đưa ra giải pháp “học trực tuyến, thi trực tiếp”.

Theo đó, Sở đã chỉ đạo các trường tổ chức ôn tập cho học sinh bằng hình thức trực tuyến, sau đó sẽ giãn cách, chia thành các khối lớp nhỏ để thực hiện việc kiểm tra học kỳ II trên lớp. Mỗi phòng sẽ không quá 24 em để đảm bảo việc giãn cách theo quy định.

Còn ở Phú Yên và nhiều địa phương khác, các trường đã tranh thủ tổ chức kiểm tra học kỳ sớm cho học sinh để chủ động phòng chống COVID-19.

Tại Hà Nội, nhiều trường ngoài công lập, trường quốc tế đã lựa chọn hình thức kiểm tra định kỳ bằng việc cho học sinh thực hiện bài thực hành, dự án, thuyết trình…. thay vì kiểm tra trên giấy như trước.

Học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia diễn kịch để lấy điểm kiểm tra cuối học kỳ.

“Tôi là ai giữa cội nguồn dân tộc”, “Hà Nội trong mắt tôi”, “Dấu ấn Việt Nam”,… là tên các dự án mà học sinh Trường Phổ thông liên cấp Olympia vừa “trả bài” cho giáo viên để lấy điểm đánh giá thường xuyên, hoặc cuối học kỳ II cho cùng lúc nhiều môn học: Ngữ văn - Âm nhạc - Mỹ thuật - Tin học – Lịch sử - Địa lý.

Không căng thẳng, đặt nặng việc thi thố, với các hình thức kiểm tra, đánh giá mới này, học sinh được vui và hào hứng học tập hơn, thay vì phải học thuộc lòng kiến thức trong sách vở, rồi “trả bài” cho thầy cô trong 45 hay 60 phút kiểm tra trên giấy vào cuối học kỳ.

Ngoài ra, còn có Trường THPT Phan Huy Chú và nhiều cơ sở giáo dục khác tại Hà Nội đang nỗ lực, tự tìm hiểu, học hỏi các hình thức kiểm tra trực tuyến để có thể đánh giá học sinh được khách quan, vừa phản ánh đúng chất lượng dạy và học, mà vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh trước dịch bệnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn