MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một tiết học Toán của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học An Lư (Hải Phòng). Ảnh: Tạ Quang

Sáng tạo tiết dạy Toán lớp 1 của giáo viên theo chương trình GDPT mới

Đặng Chung - Thiều Trang LDO | 31/10/2020 08:32

Tích cực, chủ động và sáng tạo trong quá trình giảng dạy theo chương trình GDPT mới, giáo viên Trường Tiểu học An Lư (Hải Phòng) đã bước đầu thành công trong việc giúp học sinh vận dụng kiến thức hiệu quả và phát triển năng lực cá nhân, đặc biệt là môn Toán lớp 1.

Chủ động tìm phương pháp phù hợp giúp phát huy năng lực học sinh

Những ngày qua, trước ý kiến chương trình, SGK mới thiết kế bài học nặng, quá sức học sinh, phóng viên xin dự giờ một số tiết học của học sinh Trường Tiểu học An Lư (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Đầu giờ học, giáo viên cho học sinh "nhập vai" thành cô giáo, tổ chức cho cả lớp chơi trò chơi tìm chữ cái, ghép vần. Không khí buổi học rất sôi nổi, học sinh tích cực, hào hứng tham gia.

Tiếp học Toán của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học An Lư. Ảnh: Tạ Quang

Trong giờ học Toán lớp 1, trong khi SGK yêu cầu học sinh quan sát trong hình và tìm các chữ số, thì giáo viên thay nội dung này bằng hoạt động trò chơi.

Học sinh được chia thành các nhóm, "cô giáo" điều khiển trò chơi là một bạn nữ trong lớp, do học sinh bầu chọn.

Dưới sự điều hành của "cô giáo nhí", cả lớp thi đua với nhau xem nhóm nào tìm được đáp án nhanh hơn. Các em hồn nhiên, vui vẻ và tiết học diễn ra sôi nổi trong nụ cười vui của học trò.

Trực tiếp đứng lớp giảng dạy tiết Toán cho học sinh lớp 1, cô Lê Thị Thảo-giáo viên Trường Tiểu học An Lư - cho biết, mình đã áp dụng phương pháp dạy học mới, cụ thể là xây dựng các tiết làm bài tập theo hình thức trò chơi.

"Thay vì bắt các con ngồi một chỗ làm bài tập, tôi đã tổ chức trò chơi, giúp các con tự thực hiện bài tập, tự chia sẻ và trình bày kết quả trước lớp.

Điều này tạo ra sự thích thú, tò mò và kích thích khả năng sáng tạo cũng như vận dụng kiến thức thực tế vào bài học của học sinh. Qua đó, các con cũng thể hiện được năng lực, cá tính và năng động hơn từng ngày" - cô Thảo chia sẻ.

Bên cạnh đó, để tiết học thêm sinh động và tạo hứng thú mới cho học sinh, cô Thảo đã ứng dụng phiên bản điện tử của SGK vào giảng dạy. Cô cũng cho rằng, công cụ này giúp ích cho công tác soạn giáo án và hỗ trợ giảng dạy rất tốt.

"Cá nhân tôi rất thích chương trình mới, bởi nó giúp giáo viên chủ động tư duy, sáng tạo và xây dựng giáo án dựa trên đặc điểm học sinh" - cô Thảo nhấn mạnh.

Giáo viên tổ chức tiết học thành nhiều trò chơi để học sinh tham gia.

Cũng như Trường Tiểu học An Lư, tại Trường Tiểu học Ngọc Sơn (quận Kiến An, Hải Phòng), giáo viên chủ động vận dụng các phương pháp mới để dạy học sinh.

Trải qua 2 tháng triển khai chương trình mới, nhiều giáo viên đã tích cực tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp, giúp học sinh có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tiễn, góp phần phát huy năng lực cá nhân.

Giáo viên quyết định thành công của đổi mới giáo dục

Để có được thành công này, theo cô Bùi Thị Phi Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn - giáo viên đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.

Chương trình GDPT mới trao quyền chủ động cho giáo viên, nếu thầy cô tích cực đổi mới phương pháp, vận dụng khoa học công nghệ vào mỗi bài giảng, sẽ khiến mỗi tiết học là một giờ vui với học sinh.

Cô Nguyễn Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lư - cũng cho rằng, nhờ đổi mới phương pháp giảng dạy, mà học sinh hứng thú với việc học hơn. Từ đầu năm học, nhà trường cũng không nhận được phàn nàn nào của phụ huynh về việc học sinh gặp áp lực trong học tập.

Trong quá trình dạy và học, lãnh đạo nhà trường đã kết hợp với giáo viên xây dựng và điều chỉnh chương trình giảng dạy phù hợp với đặc điểm học sinh tại địa phương.

Cụ thể, SGK chỉ là kênh tham khảo chính trong quá trình giảng dạy; giáo viên có vai trò chọn lựa những nội dung bài học phù hợp và áp dụng linh hoạt, sáng tạo theo chương trình nhà trường xây dựng; bảo đảm học sinh tiếp thu bài tốt nhất.

Để xây dựng chương trình giảng dạy khoa học và phù hợp với từng đối tượng học sinh, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Hải Phòng Vũ Văn Trà, thông qua các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên đề, các giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 của Hải Phòng đã nỗ lực học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi phương pháp mới và chủ động đặt vấn đề, thảo luận với nhau nếu gặp khó khăn trong quá trình dạy học.

Ông đánh giá, qua 2 tháng chủ động tư duy, sáng tạo và nỗ lực, giáo viên của Hải Phòng đã dẫn dắt học sinh tiếp cận chương trình mới hiệu quả, học sinh ngày càng năng động và tích cực hơn trong quá trình học tập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn