MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
GS-TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội

Sau thi THPT Quốc gia: “Bùng nổ” đăng ký ngành xã hội

HUYÊN NGUYỄN - CAO NGUYÊN LDO | 14/09/2018 07:44
Số lượng sinh viên nghỉ học trong năm đầu đại học ngày càng nhiều hơn, bên cạnh đó xu hướng lựa chọn nhóm ngành xã hội nhân văn cũng tăng cao... - đây là những vấn đề nảy sinh từ kỳ thi THPT quốc gia.

Do vậy các chuyên gia tham dự Hội thảo “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra” ngày 13.9 cho rằng, những nội dung này cần được nghiên cứu, đánh giá để có những cải tiến, hoàn thiện kỳ thi tốt hơn.

Phát sinh học sinh nghỉ học năm đầu đại học

Đánh giá cao ở việc giảm áp lực, gọn nhẹ của kỳ thi, tuy nhiên GS-TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội - nhận ra một số vấn đề nảy sinh khi đổi mới thi. Ông Đức cho biết: Với thực tế ở ĐHQG Hà Nội, số thí sinh bỏ học sau năm thứ nhất rất nhiều. Trong 2 năm vừa qua, mỗi năm có khoảng 700 em bỏ học sau năm đầu, chiếm khoảng 10%. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh ảo rất nhiều bởi khác với trước đây đã đỗ trường nào thì học sinh sẽ học luôn trường đó còn hiện tại các em có nhiều lựa chọn. Mặt khác, năm đầu các em phải học các môn cơ bản nặng lắm, đây cũng có thể là nguyên nhân khiến số sinh viên bỏ học sau năm đầu tiên khá cao.

Một điểm đáng chú ý nữa được ông Đức chỉ ra là xu hướng lựa chọn ngành xã hội nhân văn rất lớn. “Chưa bao giờ, tôi thấy tỉ lệ này bùng nổ như bây giờ. Điều này cho thấy xu hướng học sinh đang lựa chọn những ngành dễ học. Đây là vấn đề cần được cảnh báo!” - ông Đức nêu.

Đề xuất thi “2 trong 1 buổi”

Là người có kinh nghiệm trong việc đánh giá kết quả thi, TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GDĐT - cho rằng: “Ở kỳ thi THPT quốc gia, phải khẳng định chủ trương là đúng nhưng đến lúc thực thi của chúng ta lại vướng phải khâu nhân sự. Chính cán bộ các phòng khảo thí của các sở là những người tiếp tay tiêu cực và có thể nói chủ trì tiêu cực! Nhưng cá nhân tôi cũng khẳng định, đó là những sai phạm mang tính chất điểm lẻ chứ không mang tính chất toàn xã hội” - ông Ngọc cho hay.

Qua nghiên cứu các kỳ thi, ông Ngọc đề xuất tổ chức kỳ thi “2 trong 1 buổi”: “Chúng ta vẫn nói kỳ thi “2 trong 1” - 2 mục đích trong 1 kỳ thi. Theo tôi, nên đổi thành thi “2 trong 1 buổi”. Tức là chúng ta phải có 2 phần đề (tốt nghiệp THPT, thi đại học). Học sinh nào không có nhu cầu thi đại học cho ngồi riêng, thi xong được nghỉ. Còn học sinh nào thi đại học, sẽ tiếp tục làm bài. Phần thi đại học phải do đại học chủ trì. Bên cạnh đó, chủ trương thi tại địa phương là đúng, giảm áp lực, nhưng vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào cho tốt lại là vấn đề cần bàn kỹ”.

Các chuyên gia dự hội thảo cũng cho rằng, trong tương lai, một số đề xuất cho thi cử là việc cho ra đời các Trung tâm khảo thí độc lập hay thi trên máy tính nhưng đó chỉ là trên lý thuyết. Thực tế, việc xây dựng một thư viện đề thi như vậy không dễ dàng. Trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc có một trung tâm khảo thí độc lập là khó để kiểm định độ tin cậy.

PGS-TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - bày tỏ: Những bất hợp lý của kỳ thi cần phải thay đổi gốc rễ của vấn đề. Tuy nhiên, để có thay đổi đó cần thời gian, lộ trình, không thể thay đổi ngay, tránh xáo trộn toàn bộ xã hội.

Nhiều biện pháp hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GDĐT đã báo cáo Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương thức thi này cho đến năm 2020. Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng cho biết sẽ tăng cường công tác tập huấn cho giáo viên, giảng viên coi thi, chấm thi. Đặc biệt, công tác chấm thi có sự điều chỉnh. Giáo viên chấm thi, giảng viên đại học địa phương sẽ không coi thi, chấm thi ở địa phương mình, để đảm bảo khách quan. H.N

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn