MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều ý kiến trái chiều về chức năng ban đại diện cha mẹ học sinh. Ảnh: Dan

Sau vụ lạm thu, xuất hiện ý kiến trái chiều về chức năng của Ban phụ huynh

Trà My LDO | 05/10/2023 09:45

Bên cạnh những tranh cãi đề xuất xoá bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh (hoặc Ban phụ huynh) để tránh lạm thu, một số ý kiến khác lại cho rằng việc duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết.

Đầu năm học, gia đình anh Nguyễn Ngọc Lâm tại Sơn Tây (Hà Nội) lại chóng mặt với những khoản tiền do Ban đại diện cha mẹ học sinh kê khai.

“Nào là tiền tặng hoa, quà cho cô các ngày lễ, tiền thưởng học sinh, tiền hỗ trợ cơ sở vật chất, tiền bồi dưỡng giáo viên... Một năm, tôi phải chi trả cho quỹ hội cha mẹ học sinh số tiền 150.000 đồng. Số tiền này nhân lên với số phụ huynh tôi thấy rất tốn kém, không thiết thực” - anh Lâm thẳng thắn nói.

Chung quan điểm với anh Lâm, anh Nguyễn Văn Lợi tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh giống như cánh tay nối dài của hiệu trưởng, do đó, nên xoá bỏ.

“Với các trường khác, tôi không biết thế nào nhưng trường con tôi học thì chẳng bao giờ lấy ý kiến tất cả phụ huynh. Chỉ có một vài người đứng đầu thông báo thu tiền, đóng góp. Khẩu hiệu là tự nguyện, có bao nhiêu đóng bấy nhiêu nhưng các vị toàn đưa ra mức quy định chung, bắt buộc mọi người phải theo” - anh Lợi cho biết.

Cũng theo anh Lợi, phụ huynh khi thấy cả tập thể đều đóng góp mà mình không làm theo thì cũng ái ngại. Vì vậy, dù biết nhiều phụ huynh bức xúc, phản đối nhưng cũng chỉ đành ngậm ngùi làm theo.

“Ban đại diện cha mẹ học sinh thực chất làm theo chỉ đạo của nhà trường. Nhưng nếu họ không thay đổi cách làm việc cũng như tôn trọng, đồng cảm với các phụ huynh khác thì tốt nhất nên dẹp bỏ” - phụ huynh này bức xúc.

Ở chiều ngược lại, một số phụ huynh khác lại đưa ra ý kiến khác. Là phụ huynh có con đang học tại trường Tiểu học Lâm Hợp (Hà Tĩnh), anh Hà Quốc Tuấn cho rằng nên giữ lại Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Lý giải về việc ủng hộ giữ lại Ban đại diện cha mẹ học sinh, anh Tuấn đưa ra những ý kiến sau:

“Ban đại diện sẽ đưa ra những khoản thu chi đối với mọi người. Nếu phụ huynh nào không đồng tình thì có thể tranh luận, trao đổi lại để đưa đến thống nhất chung, từ đó hai bên sẽ hài hoà và rõ ràng cùng nhau.

Thứ hai, bên đại diện cho cha mẹ học sinh sẽ là cầu nối để giúp phụ huynh, học sinh và nhà trường gắn bó, thấu hiểu, phục vụ cho những công tác chung” - anh Tuấn chia sẻ.

Trước nhiều thông tin về việc Ban đại diện cha mẹ học sinh đang trở thành cầu nối cho nhà trường để xảy ra vấn đề lạm thu, anh Tuấn đánh giá, việc lạm thu là không thể chấp nhận được nhưng không phải vì một, hai trường hợp như vậy mà bỏ đi Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Liên quan đến việc có nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, thầy Thái Hạo - người có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục - cho rằng: “Việc tồn tại Ban đại diện cha mẹ học sinh là việc cần thiết. Trong Luật Giáo dục cũng đã quy định vai trò quan trọng của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, nếu Ban đại diện cha mẹ học sinh vượt quá quyền hạn và vai trò của mình dẫn đến việc lạm thu thì hoàn toàn sai”.

Đánh giá vai trò và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa tương xứng với kỳ vọng của phụ huynh, cô Nguyễn Thu Hương - Giáo viên Trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) cho rằng, Ban đại diện cha mẹ học sinh ngoài kết nối gia đình, nhà trường và học sinh còn được giao thêm trọng trách đứng ra thu các khoản thu. Tuy nhiên nếu khoản thu đúng và nằm trong quy định thì không vấn đề gì. Nhưng đại diện của ban cha mẹ học sinh lạm quyền, thu chi không công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng lạm thu.

Do đó, thu chi hợp lý và rõ ràng thì chắc chắn, không có ai phản đối Ban đại diện cha mẹ học sinh.

“Nếu làm được vậy, bản thân là giáo viên tôi cũng rất ủng hộ. Ban đại diện cha mẹ học sinh cần phải cho thấy những khoản nào phụ huynh cần đầu tư, đóng góp phải có quy định cụ thể để phụ huynh họ nắm bắt, thoải mái đóng tiền, thậm chí là họ nể trọng” - cô Hương nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn