MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho học sinh và giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Sẽ dạy kỹ năng phòng cháy chữa cháy từ bậc mầm non

Bích Hà LDO | 22/08/2021 21:24

Kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ sẽ được lồng ghép vào các môn học, hoạt động giáo dục chính khóa từ bậc mầm non đến đại học.

Kỹ năng ứng biến trước sự cố cháy nổ còn hạn chế

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm xảy ra trên 3.000 vụ cháy, nổ, làm chết và bị thương trên 300 người, gây thiệt hại về tài sản hàng nghìn tỉ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn cứu hộ dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố nạn nhân là đối tượng học sinh, sinh viên.

Theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên - Bộ GDĐT, trong thời gian qua, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Công an tích cực chỉ đạo các nhà trường triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC cho học sinh, sinh viên và giáo viên trong các cơ sở giáo dục.

Tuy vậy, hoạt động này trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Ông Bùi Văn Linh cho biết, nội dung về PCCC và cứu nạn cứu hộ đã được lồng ghép vào các môn học cụ thể trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, thông qua các môn học như: Đạo đức, Giáo dục công dân, khoa học tự nhiên, xã hội, Giáo dục Quốc phòng, an ninh, Địa lý, Hóa học… 

Tương tự trong chương trình giáo dục mầm non cũng đã lồng ghép nội dung về PCCC và cứu nạn cứu hộ. 

Tuy nhiên, kiến thức về PCCC và cứu nạn cứu hộ trong chương trình giáo dục phổ thông, kể cả chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và chương trình giáo dục phổ thông mới có rất ít và đa phần là kiến thức về pháp luật.

Các tiết học lại phân bổ rải rác vào các năm học khác nhau, dẫn đến sự rời rạc kiến thức, khó khăn để hình thành các kỹ năng xử lý sự cố.

Trước thực tế này, Bộ GDĐT đã ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Trang bị kiến thức, kỹ năng từ bậc mầm non

Theo ông Bùi Văn Linh,  tại dự thảo Thông tư hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên có quy định cụ thể về nội dung giáo dục các kiến thức, kỹ năng.

Các nội dung sẽ bảo đảm thống nhất giữa các cấp học và không làm thay đổi quy định khung về chương trình giáo dục chính khóa của các cấp học, trình độ đào tạo.

Bên cạnh đó, hình thức tổ chức trang bị kiến thức kỹ năng về vấn đề này cho học sinh, sinh viên được quy định mang tính mở, không gò ép.

Theo đó, với bậc mầm non, kiến thức này sẽ được lồng ghép thông qua các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.

Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa, thông qua các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống...

Đối với giáo dục đại học, lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa, phối hợp với các đơn vị có chức năng tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành, diễn tập phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các nhà trường.

Bên cạnh chương trình chính khóa, học sinh sẽ được học các kiến thức, kỹ năng bổ trợ trong các hoạt động ngoài giờ, được thực hành, diễn tập hình thành các kỹ năng ứng phó với các tình huống nguy hiểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn