MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non là đặc biệt cần thiết trong tình hình mới. Ảnh: Hải Nguyễn

Sẽ đổi mới căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục mầm non

Long Vân LDO | 15/02/2024 10:07

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Đổi mới chương trình giáo dục mầm non. Theo đó, từ năm học 2025 - 2026 đến năm học 2027 - 2028 thí điểm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới ở một số cơ sở giáo dục mầm non.

Mục tiêu của thay đổi này nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục mầm non phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1, đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.

Bộ GDĐT đánh giá, Chương trình giáo dục mầm non (GDMN) được Bộ trưởng ban hành năm kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25.7.2009, đến nay đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần (năm 2016 và 2020). Chương trình bước đầu thể hiện tính chất khung và mở, tạo điều kiện để các cơ sở GDMN chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp với điều kiện của nhà trường, văn hóa địa phương và nhu cầu, khả năng, đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Tuy nhiên, trong thời gian triển khai thực hiện Chương trình, GDMN cũng gặp phải những tác động nhất định, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thực hiện Chương trình: Đầu tư cho GDMN còn thấp; xu thế đô thị hóa, phát triển đô thị thông minh ngày càng gia tăng, việc phát triển nóng về dân cư tại các địa bàn khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu đông dân cư và ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gia tăng…

Mặt khác, đối với giáo viên mầm non, một số chính sách chưa được thực hiện triệt để cho phù hợp với quy định của Nhà nước. Chính sách tiền lương, hỗ trợ cho giáo viên còn thấp so với đặc thù công việc của cấp học mầm non, họ vừa phải bảo vệ, vừa nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non. Tiền lương, tiền công, chính sách của giáo viên còn rất thấp, số giáo viên xếp hạng I, II còn ít ; giáo viên phải làm thêm giờ. Giáo viên cắm bản tại các điểm trường, nhiều nơi không có nhà công vụ, cuộc sống gặp khá nhiều khó khăn.

Những vấn đề này tạo nên khó khăn chung, áp lực, gây tâm lý lo lắng, không yên tâm công tác đối với đội ngũ giáo viên mầm non công tác tại khu vực miền núi, vùng khó khăn, dân tộc thiểu số, chưa thu hút và giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ em mầm non.

Chính vì thế, yêu cầu đổi mới giáo dục mầm non là đặc biệt cần thiết. Chương trình mới, nếu được Quốc hội thông qua sẽ triển khai thí điểm ngay từ năm học 2025 - 2026 đến năm học 2027 - 2028 (từ năm học 2029 - 2030, bắt đầu triển khai áp dụng đại trà chương trình giáo dục mầm non mới trên phạm vi toàn quốc) trên quan điểm: Kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình Giáo dục mầm non hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực trẻ em theo định hướng tình cảm xã hội phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý trẻ em mầm non.

Khắc phục những hạn chế, bất cập trong chương trình giáo dục mầm non hiện hành; giảm áp lực về thời gian làm việc của giáo viên mầm non, đồng thời đảm bảo chế độ sinh hoạt của trẻ em mầm non.

Đổi mới chương trình giáo dục mầm non phải phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường và khả năng của trẻ em.

Về kinh phí thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non do ngân sách Nhà nước bảo đảm và huy động từ xã hội. Kinh phí từ ngân sách Nhà nước được nêu trong dự toán ngân sách hằng năm do Chính phủ trình Quốc hội theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn