MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
SGK Ngữ văn Cánh Diều khối 7 được đánh giá đi đúng tinh thần đổi mới, khắc phục tình trạng dạy học kiểu mẫu. Ảnh: Trà My

SGK Ngữ văn Cánh Diều giúp khắc phục triệt để dạy, học theo văn mẫu

Trà My LDO | 09/10/2023 06:00

Sau một thời gian đưa vào chương trình giảng dạy, Sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 7 thuộc bộ Cánh Diều đã được các giáo viên đánh giá rất cao, đi đúng tinh thần đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với triết lý “Đưa cuộc sống vào bài học, mang bài học vào cuộc sống” xuyên suốt, bộ SGK lớp 3, 7 và 10 tiếp tục được đánh giá thay đổi được cách tiếp cận của môn Ngữ văn.

Trao đổi với Lao Động việc đổi mới SGK Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn cho biết:

“Bộ SGK Ngữ văn Cánh Diều lớp 7 đã thực hiện đúng yêu cầu dạy học và phát triển năng lực. Trong đó, hướng học sinh tới cách đọc hiểu văn bản theo thể loại. Giáo viên có thể tổ chức dạy học theo chuyên đề thể loại như: dạy cụm truyện, thơ, kí, văn nghị luận... Ở mỗi cụm, không cần dạy nhiều văn bản mà chỉ cần dạy sâu 1 văn bản, sau đó hướng dẫn các em học văn bản tương tự cùng thể loại”.

Đánh giá về bộ SGK Ngữ văn lớp 7 của bộ sách Cánh Diều, cô Ngô Thị Lê - Giáo viên Trường THPT Thị trấn Núi Đối (Hải Phòng) đưa ra quan điểm:

“Bộ sách Cánh Diều đã thay đổi cách dạy và học. Từ đó, làm thay đổi tư duy kiểm tra, đánh giá với học sinh. Trong bộ sách này, ưu điểm của nó là đã đảm bảo tỉ lệ hài hoà giữa các loại văn bản như: Văn bản về văn học, văn bản nghị luận, văn bản thông tin. Bên cạnh đó, sách giáo khoa Ngữ văn 7 bộ Cánh Diều cân bằng được các yếu tố về thực hành và cả lý thuyết”.

Cô Lê nhấn mạnh ưu điểm vượt trội của việc khắc phục dạy và học văn mẫu từ bộ sách.

“Trước đây, học sinh thường rất nản để học thuộc từng đoạn văn hay cả bài văn mẫu để kiểm tra. Tuy nhiên, ở bộ sách này, việc dạy học giúp các em hiểu về bản chất, tăng tính thực hành đã làm các em yêu thích môn học này hơn. Đồng thời, học sinh có thể sáng tạo, tư duy theo năng lực cá nhân của các em qua mỗi bài học. Do đó, việc học Văn trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều” - cô Lê chia sẻ.

Đồng tình với cô Lê, cô Nguyễn Thị Mát - Phó Hiệu trưởng Trường THCS sở Gia Hòa (Hải Dương) cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường đề xuất lựa chọn hầu hết các môn trong bộ sách Cánh Diều.

Trên cương vị là giáo viên dạy môn Ngữ văn, cô Mát nhận xét, bộ sách này có nhiều ưu điểm và rất phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh.

“Kiến thức môn Ngữ văn lớp 7 trong bộ sách Cánh Diều không quá nặng, phù hợp với giáo viên và học sinh của trường. Bài học trong sách với nội dung gần gũi, thiết thực và huy động các vốn kiến thức nhằm giúp các em giải quyết các vấn đề. Đối với sách này, phần phương pháp dạy học sẽ được chú trọng hơn, không mang tính nhồi nhét và tránh được tình trạng dạy, học kiểu mẫu” - cô Mát nói.

Ngoài những ưu điểm về nội dung, cô Lê và cô Mát đều cho rằng bộ SGK Cánh Diều khối 7 đã kế thừa được một số văn bản hay của sách cũ. Đồng thời, về phần hình thức thiết kế rất phong phú.

“Sách được thiết kế với màu sắc tươi mới, rõ ràng. Ngoài kênh chữ, kênh hình cũng trở thành nội dung được đưa vào dạy học. Trong tương lai, bộ sách này sẽ phát huy được nhiều ưu điểm, đưa giáo viên dạy học đúng với yêu cầu mới: hiện đại và khả thi theo đúng chương trình mới” - cô Lê nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn