MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần có giải pháp để học bạ là căn cứ xét tuyển đại học đáng tin cậy. Ảnh: Hải Nguyễn

"Siết” quy trình kiểm tra, đánh giá: Giảm thiểu tiêu cực trong xét tuyển đại học bằng học bạ THPT

Thu Trang LDO | 18/04/2022 11:07

Nhiều người cho rằng, hình thức xét tuyển học bạ Trung học phổ thông (THPT) là giải pháp có lợi cho học sinh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Tuy nhiên, áp dụng sao cho hiệu quả, hạn chế tiêu cực lại là vấn đề đáng lưu tâm.

Sử dụng học bạ là căn cứ và kèm theo điều kiện cụ thể

Xét học bạ là phương thức tuyển sinh đại học dựa trên kết quả điểm của 3 năm học THPT hoặc điểm trung bình lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Quy định, điều kiện xét tuyển học bạ, chỉ tiêu cũng như thời gian dành cho việc xét học bạ tùy thuộc vào từng trường.

Theo cập nhật của Lao Động tính đến thời điểm hiện tại đã có 143 trường công bố xét học bạ THPT năm 2022. 

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo - Học viện Tài chính - cho rằng, tất cả các phương thức xét tuyển đều tạo thêm cơ hội cho thí sinh phát huy năng lực của mình. Đặc biệt, với bất kỳ phương thức tuyển sinh nào thì mục tiêu của các trường đại học vẫn là tuyển chọn những thí sinh có chất lượng đầu vào cao.

Tại Học viện Tài chính trong nhiều năm trở lại đây, phương thức xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT chiếm tỉ lệ khá cao. Trong dự kiến phương án tuyển sinh năm 2022, chỉ tiêu xét tuyển thẳng và xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT chiếm ít nhất bằng 50%. 

Theo đó, điều kiện kèm theo là phải đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương hoặc có Chứng chỉ quốc tế. 

“Rõ ràng điều đó đã chứng minh được cả quá trình học tập, sự nỗ lực của thí sinh và là nguồn đầu vào rất tốt. Học viện Tài chính luôn xét tuyển học bạ THPT kèm theo điều kiện” - PGS Thạch nói.

Bàn về vấn đề trên, TS Trần Khắc Thạc - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Thủy Lợi - cho hay, mỗi một phương thức tuyển sinh sẽ có ưu và nhược điểm khác nhau.

Theo đó, năng lực của người học sẽ thể hiện ở việc thích nghi với phương pháp học tập mới, khả năng vươn lên trong môi trường tự lập. Khi vào trường, những em không có năng lực sẽ tự bị đào thải.

“Ở các trường THPT, thầy cô giống người cha người mẹ của học sinh, luôn mong muốn tạo điều kiện tốt nhất cho các em. Tất cả thầy cô luôn nỗ lực dạy dỗ, quan tâm, ôn luyện cho các em.

Vì vậy, thầy cô nên đặt sự công tâm lên trên hết, giúp đỡ học sinh không đồng nghĩa với việc khống điểm, mà định hướng và phát triển năng lực của các em ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đặc biệt, với chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường, các thầy cô sẽ có cách nhìn nhận đúng đắn hơn, giúp các em lập thân lập nghiệp” - TS Thạc chia sẻ.

Không đặt nặng thành tích, “siết” quy trình kiểm tra đánh giá

Với nhiều thí sinh, phương thức xét học bạ chính là cơ hội mở cánh cổng đại học, giảm bớt áp lực ôn tập, thi cử, hạn chế “học tài thi phận”, không phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố khách quan.

Tuy nhiên, khi chất lượng giáo dục vẫn chưa đồng đều, khi vẫn còn ngờ vực liên quan đến vấn đề “làm đẹp” học bạ thì làm thế nào để phương thức này là căn cứ đáng tin cậy và thực sự công bằng?

Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - để phương thức xét học bạ phát huy ưu điểm, các trường nên xếp vào tiêu chí phụ cùng yếu tố hạnh kiểm, thành tích nổi bật trong 3 năm THPT... Như vậy, có thể tuyển chọn thí sinh theo đúng tiêu chí và năng lực cần đạt.

Là giáo viên cơ sở, trực tiếp giảng dạy học sinh khối 12 tại Thanh Hóa, cô Nguyễn Thị Thuận cho biết, các cơ sở giáo dục cần hướng đến việc dạy thật, đánh giá thật, không hời hợt, không chuộng thành tích ảo. Phải là kết quả đánh giá thật thì mới đào tạo ra những lớp học trò tài năng cho tương lai. 

“Không nên giao chỉ tiêu học sinh giỏi, xuất sắc, chỉ tiêu lên lớp... mà cần hướng đến chất lượng giảng dạy, học tập ở mức cao nhất. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, từng trường học để đưa ra phương án bồi dưỡng, nâng cao chất lượng học tập của học sinh” - cô Thuận nói.

Liên quan đến vấn đề trên, thầy Nguyễn Văn Nam - Giáo viên THPT tại Hà Giang - cũng nhận xét, để nâng cao chất lượng học tập, giúp phương thức xét học bạ trở nên đáng tin cậy, các cơ sở giáo dục cần “siết” chặt quy trình kiểm tra đánh giá, hướng đến học thật, thi thật ở những bài kiểm tra nhỏ nhất.

“Dù là kiểm tra miệng, kiểm tra 15 phút hay học kỳ, giáo viên và học sinh đều phải nghiêm túc. Có thể tạo điều kiện cho học sinh gỡ điểm bằng cách làm lại bài kiểm tra, kiểm tra bổ sung nhưng phải đảm bảo thực chất, không nâng đỡ bằng cách chấm nới tay hay thả lỏng trong coi thi. “Siết” quy trình kiểm tra, đánh giá chính là cách để giảm thiểu tối đa những tiêu cực trong việc xét tuyển đại học bằng học bạ THPT” - thầy Nam chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn