MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dành quá nhiều thời gian để "cày" game khiến không ít sinh viên bê trễ học hành, có kết quả học tập kém. (Ảnh minh họa: Nguồn Dân Trí)

Sinh viên được tuyển thẳng cũng có thể bị buộc thôi học

Bích Hà LDO | 10/11/2017 07:30
Bỏ bê bài vở, cày game online suốt đêm, lên giảng đường chỉ ngồi ngủ gật… là nguyên nhân khiến không ít sinh viên học tập sa sút, bị đuổi học giữa chừng.

Cách đây chưa lâu, những dòng tâm sự của cựu sinh viên Bách Khoa từng nghiện game online đã làm “nóng” mạng xã hội và được chia sẻ trên nhiều diễn đàn để thức tỉnh những người đang nghiện game.

Bạn trẻ này đã có thời ăn game, ngủ game, sống game và bỏ bê học hành. Rồi chứng kiến nhiều bạn bè trong ký túc bị đuổi học chỉ vì game, bố mẹ phải chạy vạy, bán từng tạ thóc lấy tiền cho con ăn học, trong khi mình và nhiều bạn trẻ khác lại nướng hết vào game, cậu đã quyết tâm thay đổi.

Đến nay, khi đã ra trường với tấm bằng đẹp, chứng kiến không ít bạn trẻ tiếp tục đi vào vết xe đổ của mình mà chưa tìm được lối ra, bạn trẻ này đã khuyên những người đang nghiện game: "Đừng phí những năm tuổi trẻ cho những trò vô bổ, đừng tự giết mình vì game".

Còn anh Cấn Văn Kh. (Thạch Thất, Hà Nội) từng thi đỗ Đại học Bách khoa năm 2007 nhưng bị buộc thôi học sau kỳ đầu tiên vì mải chơi game. Sau “vấp ngã” này, anh đành ở nhà đi làm thợ xây cùng bố.

Suy nghĩ học không bao giờ là quá muộn, anh quyết tâm thi lại đại học. Từ vấp ngã đầu tiên, lần này anh đã không bỏ phí thời gian của mình. Sau 4 năm học đại học, năm 2016, Kh. đạt điểm cao nhất, trở thành thủ khoa đầu ra của Đại học Việt - Hung.

Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn sinh viên vì nghiện game online, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, thậm chí do mải đầu tư bán hàng đa cấp mà bỏ bê học hành và bị đuổi học mỗi năm.

TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội – tiết lộ, trong số những sinh viên bị buộc thôi học có không ít bạn trẻ có điểm đầu vào cao chót vót. Có cả người trong diện được tuyển thẳng, nhưng vì không chăm chỉ học tập, mải chơi game, không nâng cao tinh thần tự học, nên vẫn “trượt dốc”.

Đa phần sinh viên từ quê lên thành phố học tập. Mỗi tháng, bố mẹ chu cấp tiền ăn, ở, học phí lên tới vài triệu đồng. Nếu bị đuổi học, người đó không chỉ lỡ dở tương lai mà còn lãng phí tiền của gia đình.

Thời gian qua, những cảnh báo liên tục được đưa ra, nhưng số sinh viên “rơi rụng” giữa chừng ngày càng nhiều. Không chỉ sinh viên Bách Khoa, mà còn rất nhiều sinh viên của trường khác.

Bởi trong điều kiện các trường ĐH đang đẩy mạnh việc siết chặt đầu ra, nâng cao chất lượng, thì vào đại học bây giờ có thể dễ, nhưng lối ra không hề dễ, nếu không "học thật thi thật". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn