MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên hành hung bạn đổ máu, nhức nhối vấn nạn bạo lực học đường

Vân Trang LDO | 22/05/2023 17:21

Theo clip được lan truyền trên mạng xã hội, một nam sinh Trường Đại học FPT lao vào đánh tới tấp vào một sinh viên khác. Nạn nhân sau đó bị chảy nhiều máu, phải nhập viện.

Sinh viên Đại học FPT bị bạn hành hung dã man

Theo đại diện trường Đại học FPT, sự việc trên diễn ra ở Trường Đại học FPT Campus Hòa Lạc (Hà Nội). Trận ẩu đả xảy ra do mâu thuẫn cá nhân giữa hai sinh viên, với sự chứng kiến của rất nhiều sinh viên. 

Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhà trường đã làm việc với phụ huynh sinh viên hành hung bạn, đồng thời phối hợp với công an huyện Thạch Thất xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ GDĐT.

Camera ghi lại cảnh sinh viên đánh nhau ở cầu thang trường Đại học FPT vào trưa 18.5. Ảnh cắt từ clip

Trường Đại học FPT cũng ra quyết tạm thời định đình chỉ học tập với sinh viên hành hung bạn để phục vụ công tác điều tra và chờ kết luận của cơ quan chức năng.

Hiện tại sinh viên bị bạn hành hung đã được chuyển đến bệnh viện để chăm sóc sức khỏe. Nhà trường cũng đang xem xét các phương án hỗ trợ tài chính với sinh viên này để em sớm bình phục, đi học trở lại.

Ngăn chặn bạo lực học đường - cần sự chung tay của toàn xã hội

Đây không phải là lần đầu xảy ra các vụ bạo lực học đường. Trước đó, đã có rất nhiều vụ việc xảy ra gây nhức nhối dư luận. Đáng chú ý, các vụ bạo lực học đường xảy ra ngay tại trường học - môi trường đáng nhẽ phải có sự an toàn và lành mạnh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Hồ Lâm Giang cho rằng, ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, việc bị dọa đánh hội đồng là một ám ảnh và tạo khủng hoảng tinh thần rất lớn. Về mặt nhận thức và hành vi, nó thể hiện sự lệch lạc của lối sống, của sự giáo dục đối với các em đó.

Để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, theo chuyên gia tâm ý Hồ Lâm Giang, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau.

"Các em học sinh, sinh viên được dạy dỗ cách tự phòng vệ, việc không thể dùng bạo lực để bắt nạt bạn bè, việc thấu hiểu và đồng cảm với người khác. Điều này cần bắt đầu từ gia đình, sau đó mới tới nhà trường và xã hội" - bà Giang nói. 

Về phía nhà trường - nơi dễ xảy ra các mâu thuẫn, va chạm, theo bà Giang, thầy cô cần có sự nhạy cảm, quan sát để kịp thời phát hiện những hành vi lệch lạc, mâu thuẫn, xử lí xung đột từ khi mới nảy sinh.

"Khi các em học sinh đã kêu cứu, nhất thiết nhà trường và gia đình cần có sự phối hợp khẩn trương và quán triệt để hỗ trợ, tuỳ mức độ và sự đe dọa đến thể chất và tinh thần của các em mà có sự hỗ trợ phù hợp. Nếu nhà trường có sự phối hợp chậm trễ, thì gia đình cần có sự chủ động trong bảo vệ con em mình.

Về phía xã hội, tôi nghĩ cần có những sự tuyên truyền, giáo dục, thậm chí những sự hỗ trợ cụ thể từ các lực lượng chức năng, từ những người xung quanh để khi nạn nhân bạo lực học đường kêu cứu sẽ được hỗ trợ kịp thời. Một vấn đề dù lớn tới đâu, nếu có sự chung tay từ nhiều nguồn lực, đều có thể xử lý và giải quyết được" - bà Giang nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn