MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên mong ước điều gì trong năm Quý Mão?

HUYÊN NGUYỄN LDO | 20/01/2023 19:00
Năm Nhâm Dần 2022 qua đi với những tác động của xã hội, kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giáo dục. Với các sinh viên, nỗi lo về chất lượng đào tạo, học phí, việc làm và mức lương khi ra trường là những quan tâm hàng đầu. Cùng Lao Động chia sẻ những ước nguyện trong năm mới Quý Mão 2023 của các bạn sinh viên.

Theo đuổi dự định, ước mơ của chính mình

Với Nguyễn Thuỷ Tiên – sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM, năm 2022 là năm học mang tính chất quyết định. Từ việc hoàn thành tất cả các môn học, tín chỉ đến tham gia kỳ thực tập. Tiên đã nhận được những kết quả tốt đẹp, những bài học quý giá, những người đồng hành tận tâm. Bên cạnh đó, cô nàng được thử sức với cơ hội công việc mới, môi trường mới, đem đến nhiều trải nghiệm. Thuỷ Tiên cảm thấy hài lòng với những cố gắng đã bỏ ra.

Năm mới 2023, Tiên cũng đặt ra nhiều mục tiêu cần thực hiện. Trước mắt là nhận được tấm bằng đại học đúng hạn, sau đó cố gắng ổn định công việc, chỗ ở mới.

“Em mong bản thân theo đuổi được dự định của chính mình, đồng thời giúp đỡ gia đình nhiều hơn. Có thể năm tới, sẽ có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng hơn hết, em mong mình vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, sức trẻ và phấn đấu để đạt được những mục tiêu do mình đề ra”, Thuỷ Tiên chia sẻ.

Nguyễn Thuỷ Tiên mong mình vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, sức trẻ và phấn đấu. Ảnh: NVCC

Thời gian qua, sinh viên chứng kiến những lần tăng học phí chóng mặt của các trường đại học. Đứng trên lập trường của một người học khi đối mặt mức tăng học phí trên, nữ sinh mong muốn đi cùng đó là sự thay đổi mạnh về cơ sở vật chất, nâng cao và cải thiện hơn hiện tại; Mong nhà trường sẽ có những đổi mới về phương pháp đào tạo, thực hành trải nghiệm trong các môn học, tổ chức những hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, có những chính sách về giảm học phí, học bổng khuyến học hỗ trợ cho những hoàn cảnh cần được giúp đỡ.

Mong kinh tế ổn định để có cơ hội việc làm tốt

Chuẩn bị hành trang cho kỳ thực tập tốt nghiệp vào năm mới, Trịnh Thị Út Viên - sinh viên Trường Đại học Văn hoá TPHCM cho rằng năm 2023 sẽ là một năm đầy cơ hội để mình vượt qua và có được thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, chuẩn bị tâm lí vững vàng bước qua cánh cửa đại học. Viên mong muốn sẽ trả lời được câu hỏi mình là ai, mình sẽ làm gì với chính cuộc sống của mình.

Nữ sinh Trường Đại học Văn hoá TPHCM cũng cho biết sinh viên rất quan tâm về những vấn đề liên quan đến việc học tập trên giảng đường. Sau Tết là thời điểm sinh viên sẽ đăng kí học phần và hoàn thành việc đóng học phí nên đối với một số bạn có hoàn cảnh khó khăn sẽ mong tìm được công việc làm thêm, kiếm thêm thu nhập.

Trịnh Thị Út Viên với ước mong kinh tế dần ổn định và phục hồi. Ảnh: NVCC

Bên cạnh đó, với những thách thức của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, vấn đề việc làm đang nhận được sự quan tâm lớn của sinh viên.

“Kinh tế khó khăn, nhân sự cắt giảm đã là những trở ngại lớn đối với người lao động có kinh nghiệm, lành nghề. Chính vì vậy, đối với những sinh viên mới ra trường thì chúng em càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc cạnh tranh trên thị trường lao động, cách chứng minh bản thân để doanh nghiệp tiếp nhận khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Vậy nên, em nghĩ không chỉ có sinh viên mà tất cả người lao động đều mong nền kinh tế sẽ dần phục hồi và phát triển để có nhiều hơn những cơ hội việc làm”, Viên bày tỏ.

Mong lương tăng để giáo viên an tâm với nghề

Còn với hai cô bạn Tôn Thanh Vy và Võ Thị Bảo Uyên – sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sài Gòn bày tỏ, trải qua 2 năm dịch bệnh đầy khó khăn, hai cô bạn hy vọng năm 2023 sẽ là một năm khởi sắc hơn và đặc biệt là sinh viên sư phạm có thể kiếm được công việc tốt cùng mức lương phù hợp với năng lực.

“Em được biết mức lương cơ sở sẽ tăng lên trong năm 2023. Điều này là phù hợp khi ngày càng yêu cầu nhân sự có năng lực, kỹ năng tốt hơn như công nghệ, ngoại ngữ…. Đẩy mức lương cao để sinh viên có động lực học hỏi nhiều hơn”, Vy nói.

Tôn Thanh Vy và Võ Thị Bảo Uyên. Ảnh: Chân Phúc

Còn Bảo Uyên mong muốn ngày càng trau dồi thêm nhiều kỹ năng, hoàn thiện hơn cả về năng lực và phẩm chất để sớm trở thành một giáo viên thực thụ.

“Em rất hồi hộp khi nghĩ sắp tới mình sẽ trở thành một giáo viên đứng trên bục giảng. Càng gần đến thời điểm đó, em càng nhận thấy mình còn nhiều thứ và sẽ nỗ lực, cố gắng hơn để hoàn thiện bản thân. Em cũng mong trong tương lai sắp tới, mức lương của giáo viên sẽ có sự cải thiện, tăng phù hợp với năng lực của từng cá nhân để thầy cô có thể tiếp tục, gắn bó với công việc dạy trẻ của mình”, Bảo Uyên tâm sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn