MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh viên năm cuối làm thêm trái ngành: Nên hay không?

Phan Liên LDO | 10/02/2023 14:00

Thay vì dành thời gian cho khóa luận, sản phẩm tốt nghiệp để ra trường, nhiều sinh viên chọn cách đi làm kiếm thêm thu nhập cũng như tích lũy kinh nghiệm.

Ưu tiên công việc có thu nhập cao

Bùi Thu Trang, sinh viên lớp Kế toán, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, việc đi làm thêm có rất nhiều lợi ích cho các bạn sinh viên năm cuối.

Việc làm thêm không chỉ giúp sinh viên kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng bổ ích. Nữ sinh quan niệm, với sinh viên năm cuối, việc làm thêm càng cần thiết hơn.

Mặc dù vậy, công việc hiện tại Trang đang làm lại không liên quan đến chuyên ngành học của mình.

Bùi Thu Trang - sinh viên năm cuối của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Phan Liên

"Hiện tại em không làm đúng công việc chuyên ngành vì em chưa tìm được nơi phù hợp về mức lương, chế độ, môi trường. Những chỗ thu nhập cao thường đòi hỏi kinh nghiệm. Em cũng muốn làm thử các công việc khác để có thêm kỹ năng, kiến thức cho mình” - Thu Trang chia sẻ.

Công việc mới mức thu nhập ổn định, chế độ ưu đãi tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp, là định hướng nghề nghiệp sau khi ra trường của Trang. Nữ sinh hy vọng, sẽ tìm được môi trường phù hợp và gắn bó lâu dài. 

Thùy Dương - sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng cho biết, em sẽ chọn những công việc có thu nhập tốt hơn so với việc chọn công việc đúng với chuyên ngành theo học.

"Được sống và làm việc theo đam mê là mơ ước của tất cả mọi người và em cũng vậy. Nhưng em giữa đam mê và thu nhập, em sẽ chọn công việc có mức lương cao" - Thuỳ Dương giãi bày. 

Mặc dù làm thêm công việc không liên quan đến chuyên ngành học, nhưng Thuỳ Dương không quá lo lắng bởi em cho rằng, công việc nào cũng sẽ giúp tích lũy kinh nghiệm sống, văn hóa và trải nghiệm cho sinh viên.

Sinh viên nên tìm những việc làm phù hợp với chuyên ngành

Nói về việc sinh viên vừa đi học vừa đi làm, TS. Đoàn Văn Tình - Phó Trưởng Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội cho rằng đây là xu hướng tích cực và khá phổ biến. Vừa học vừa làm giúp sinh viên được  rèn luyện kỹ năng, nâng cao năng lực thích ứng, kinh nghiệm thực tiễn và tạo ra  thu nhập để trang trải cuộc sống.

TS Đoàn Văn Tình - Phó Trưởng Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS Đoàn Văn Tình cũng cho rằng sinh viên hoàn toàn có thể làm thêm các công việc trái ngành dựa trên nhu cầu và năng lực cá nhân. Nhưng việc này chỉ nên diễn ra trong hai năm học đầu tiên để sinh viên có trải nghiệm đa dạng.

Từ năm ba đại học, sinh viên nên tích cực học tập, trải nghiệm thực tế và làm thêm những công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

“Tôi luôn định hướng cho sinh viên phải vừa tích cực trong học tập lý thuyết trên giảng đường, vừa phải năng động trong quá trình rèn luyện. Riêng đối với sinh viên năm cuối, các em cần tích cực tham gia các khóa thực tập sinh dài hạn (khoảng 6 tháng) hoặc làm thêm công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo” - TS Đoàn Văn Tình chia sẻ.

Với kinh nghiệm đào tạo, tư vấn và tham gia tuyển dụng cho nhiều doanh nghiệp, Phó trưởng Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội nhấn mạnh, sinh viên cần tích lũy được kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tế thông qua các đợt thực tập sinh, làm thêm. Điều này sẽ giúp các em ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng. Dù vậy, việc cân đối thời gian, năng lượng trong việc học và làm thêm vẫn rất quan trọng.

“Nhiều bạn sinh viên, vì quá ham kiếm tiền, mải mê đi làm cả ngày, cả đêm nên lơ là việc học, bỏ lỡ những tín chỉ trên trường và không thể ra trường đúng hạn hoặc không đạt được thành tích học tập như mong đợi. Đây là điều rất đáng tiếc” - TS Đoàn Văn Tình bày tỏ quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn