MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học viên thực hành trong một cơ sở giáo dục nghề nghiệp (ảnh minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn

Sinh viên ngại học ngoại ngữ, trường nghề đổi mới phương pháp đào tạo

LƯƠNG HẠNH LDO | 12/08/2023 08:50

Việc đào tạo ngoại ngữ với các sinh viên trường nghề hiện có những khó khăn nhất định, đòi hỏi sự đổi mới trong các giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Sinh viên ngại học ngoại ngữ

Ông Tô Xuân Giao - Phó Trưởng Văn phòng Thường trực - Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam - đánh giá, sau cơn bão về dịch bệnh COVIVD-19, sự ảnh hưởng của tài chính, công nghệ… thị trường lao động thay đổi nhanh chóng. Một số ngành nghề biến mất, một số ngành khác lại “sống khoẻ”, thu hút lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề.

Tuy nhiên, tâm lý trở thành “người Nhà nước” khiến phụ huynh định hướng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT phải vào đại học. Song, tình trạng sinh viên gặp khó khi tìm việc làm hoặc thất nghiệp sau khi ra trường lại xảy ra. Đa số sinh viên còn thiếu thực hành nghề nghiệp tại các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau khi tuyển dụng phải đào tạo, đào tạo lại.

Trong khi đó, sinh viên đã được đào tạo nghề không rơi cảnh thất nghiệp, tỉ lệ sinh viên trường nghề có việc cao hơn sinh viên tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, sinh viên tại các trường nghề thường yếu về ngoại ngữ. Môn học này luôn là rào cản khiến sinh viên tốt nghiệp trường nghề có được công việc tốt, mức lương cao hơn.

Chất lượng ngoại ngữ đầu vào của sinh viên trường nghề còn thấp, theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải - Hiệu trưởng Cao đẳng nghề Viễn Đông (TP Hồ Chí Minh). Ông Hải cho rằng, ngoại ngữ không phải là môn học thách đố, cần sự thông minh mà đòi hỏi người học phải kiên trì, cộng với thiết bị học tốt, môi trường phù hợp.

Theo ông Hải, năm học 2022-2023, trường này đón khoảng 2.000 sinh viên nhập học; trong đó có khoảng 30 sinh viên theo dạng du học nghề. Ngoại ngữ cũng chính là một trong những vấn đề khiến sinh viên ít chọn xuất khẩu lao động hoặc du học nghề.

Đa dạng hoá các hình thức giảng dạy

Ông Trần Thanh Hải cho biết, hiện nay, trường đang áp dụng nhiều phương pháp giải dạy phù hợp nhằm cải thiện tình trạng sinh viên yếu kém ngoại ngữ. Điển hình là phương pháp sắp xếp sinh viên học theo trình độ, không theo lớp học. Tuy khối lượng công việc của cán bộ phòng đào tạo tăng lên rất cao, lịch giảng dạy của giảng viên và lịch học của sinh viên trong trường bị xáo trộn; song, giải pháp này giúp cho việc đào tạo ngoại ngữ tại trường khả quan hơn.

“Lãnh đạo nhà trường phải kiên trì, chúng tôi dạy ngoại ngữ theo trình độ, không dạy theo lớp nghề. Có thể sinh viên chọn học cơ khí, nhà hàng khách sạn, kế toán… nhưng nếu các em cùng trình độ ngoại ngữ A1 thì các em được học chung một lớp về ngoại ngữ” - ông Hải cho biết.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động ngoại khoá, câu lạc bộ ngoại ngữ trong trường cũng rất quan trọng. Thậm chí, trường đã cung cấp phí hoạt động cho giáo viên, chủ tịch câu lạc bộ trong trường, tạo các trò chơi hữu ích, tăng cường vốn từ của sinh viên. Một giải pháp khác được vị hiệu trưởng đề ra là sử dụng toàn bộ bảng tên, thông báo dành cho sinh viên trong trường hoàn toàn bằng ngoại ngữ.

Còn tại Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, ông Trần Xuân Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, đã thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và đào tạo quốc tế với chức năng là cầu nối đào tạo ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên học nghề. Học sinh, sinh viên học nghề ngay từ đầu đã được định hướng cơ hội việc làm trong nước hay lao động ở nước ngoài. Riêng với mô hình học tiếng Đức tập trung vào phát triển khả năng giao tiếp chủ đề, từ cơ bản đến chuyên sâu.

“Sinh viên được tiếp xúc với môi trường học tập thực hành, tạo điều kiện để tự tin sử dụng ngoại ngữ trong các tình huống giao tiếp hàng ngày cũng như trong các bài thuyết trình và thảo luận chuyên môn. Đặc biệt là áp dụng mô hình Homestay trong đào tạo ngoại ngữ, sống cùng người bản địa” - ông Ngọc thông tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn