MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên ngành Công nghệ Dệt may cho rằng, luận án tiến sĩ nghiên cứu áo ngực rất thiết thực. Ảnh: LĐO

Sinh viên ngành Dệt may nói gì về luận án tiến sĩ nghiên cứu áo ngực?

Phùng Nhung LDO | 05/10/2022 18:17

Nhiều sinh viên theo học ngành Công nghệ Dệt may cho rằng, luận án tiến sĩ có tiêu đề "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" rất thú vị và thiết thực.

Theo dõi thông tin về luận án tiến sĩ trên, Thuý Vân - sinh viên ngành Kỹ thuật Dệt may - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, áo ngực là sản phẩm cần thiết, giúp nữ giới chống nguy cơ lão hoá, chảy xệ và định hình vùng ngực. Việc tìm hiểu và nghiên cứu về áo ngực là chuyện hết sức bình thường.

“Bản thân em là một sinh viên ngành Kỹ thuật Dệt may, việc tiếp xúc, nghiên cứu liên quan đến ngành thời trang là việc thường ngày. Áo lót hay đồ lót nói chung đều là những vật dụng cần thiết trong cuộc sống. Tuy chỉ là những vật dụng bình thường nhưng nó phải trải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm giống những phát minh khác” - Thuý Vân chia sẻ.

Theo nữ sinh, nguyên nhân dẫn đến tranh cãi trong dư luận là do nhiều người vẫn còn định kiến và cho rằng đồ lót là vấn đề phản cảm. Một số khác nghĩ rằng áo lót liên quan đến những vấn đề nhạy cảm nên đem đề tài đó ra để chỉ trích, đùa cợt.

Còn Tuấn Minh - sinh viên ngành Công nghệ May - Trường Đại học Công nghệ Dệt may Hà Nội cảm thán nói: "Đề tài này rất thú vị".

“Với nhiều người đây là chủ đề nhạy cảm và không cần thiết, tuy nhiên bản thân em được đào tạo về chuyên ngành này nên cảm thấy đây là vấn đề có tính mới và có tính ứng dụng cao. Nếu nghiên cứu này được đưa vào thực tiễn sẽ cải thiện chất lượng, kiểu dáng áo ngực, phù hợp với đa dạng đối tượng, đảm bảo sức khoẻ cho người dùng” - Tuấn Minh chia sẻ.

Bày tỏ sự đồng tình, Hoàng Nhung - sinh viên ngành Công nghệ dệt, may - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, bản thân em rất ủng hộ đề tài này bởi rất thiết thực. Vấn đề này vốn dĩ không có gì để tranh cãi.

“Nhiều người nói đề tài tầm thường, kì lạ cho một luận án tiến sĩ. Nhưng tất cả mọi phát minh đều do nghiên cứu mà ra, không có gì là tầm thường hay thô tục. Hơn nữa, vấn đề này liên quan đến nhu cầu ăn mặc cơ bản của con người, nâng cao sự thoải mái về cơ thể và tinh thần cho nữ giới, không có gì đáng tranh cãi" - Hoàng Nhung nêu quan điểm.

Bản đầy đủ của luận án "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" dài 142 trang.

Trong luận án, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung nêu mục đích nghiên cứu là xác định các đặc trưng nhân trắc ngực ứng dụng phương pháp đo 3D không tiếp xúc, trích chọn các kích thước đặc trưng và phân nhóm ngực nữ làm tiền đề cho việc xác định ảnh hưởng của kích thước ngực tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực. Đồng thời góp phần xây dựng cơ sở thiết lập hệ thống cỡ số, thiết kế, sản xuất và lựa chọn áo ngực nữ phù hợp.

Xác định áp lực của áo ngực nữ lên cơ thể người mặc và độ tiện nghi áp lực của áo ngực.

Xác định ảnh hưởng của các kích thước ngực đặc trưng tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, nhằm góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc cải thiện độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ.

Tác giả cũng nêu, kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở khoa học trong việc thiết lập hệ thống cỡ số, thiết kế, sản xuất, đánh giá; nâng cao chất lượng áo ngực cho phụ nữ Việt Nam nói chung và áo ngực cho nữ thanh niên, nữ sinh Bắc Việt Nam nói riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu của người mặc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn